Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Người cao tuổi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 21/02/2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định 383/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Người cao tuổi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một dấu mốc quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, đồng thời chuẩn bị cho việc Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già.

Chiến lược Quốc gia xác định rõ rằng người cao tuổi là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Việc phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng nhu cầu, khả năng của người cao tuổi là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đảm bảo người cao tuổi được thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Mục tiêu chung và chỉ tiêu

Chiến lược Quốc gia cũng đặt ra mục tiêu chung là xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về người cao tuổi theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Không ngừng chăm lo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi; tạo điều kiện cho người cao tuổi, nhất là người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ giúp xã hội. Phát huy tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội trong việc cung cấp dịch vụ nhằm phát huy, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi.

Với mỗi mục tiêu, Chiến lược Quốc gia đều đặt ra những chỉ số, chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Nổi bật trong số đó: tới năm 2030, ít nhất 50%, và tới năm 2035, ít nhất 70% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, tới năm 2030, ít nhất 90%, và tới năm 2035, 100% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.

Hàng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; ít nhất 10.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội.

Tới năm 2030, ít nhất 50%, và tới năm 2035, ít nhất 90% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa Nhi, bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho người cao tuổi và tới năm 2030, ít nhất 50%, và tới năm 2035, 100% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh có khoa lão khoa.

Giải pháp thực hiện cụ thể

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp gồm: Trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi; phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi; phát huy vai trò người cao tuổi; trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng và thực hiện mô hình chăm sóc dài hạn, chăm sóc có thời hạn, chăm sóc bán trú đối với người cao tuổi; trợ giúp người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; trợ giúp người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi; phòng chống dịch bệnh, giảm nhẹ thiên tai đối với người cao tuổi; nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp người cao tuổi; tăng cường truyền thông, hợp tác quốc tế về người cao tuổi; xây dựng, hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược; cơ sở dữ liệu về người cao tuổi; hỗ trợ hoạt động đối với tổ chức hội người cao tuổi.

Trong đó, nhằm phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, sẽ thực hiện phát triển các cơ sở bảo trợ xã hội công lập chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi có đủ năng lực, quy mô và đáp ứng nhu cầu tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ công; hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở trợ giúp xã hội về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quy định, bảo đảm có các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi.

Ngoài ra, Chiến lược Quốc gia cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc phát huy vai trò của người cao tuổi: khuyến khích người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm tích cực xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội gắn kết, văn minh, nêu gương sáng, chí bền cho con, cháu noi theo; vận động người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội tại địa phương…

Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau trong Chiến lược Quốc gia

Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau cũng được đưa vào trong Chiến lược Quốc gia như một mô hình hỗ trợ tại cộng đồng, giúp phát huy vai trò của người cao tuổi, và đóng góp vào việc chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Mô hình đã được đưa vào một số nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể: tới năm 2030, ít nhất 50%, và tới năm 2035, ít nhất 80% số xã, phường, thị trấn có Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau hoặc các mô hình câu lạc bộ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Như vậy, việc triển khai và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau được giao cho các địa phương thực hiện. Ngoài ra, nhiệm vụ này cũng được đề cập tới trong mục về hỗ trợ hoạt động với tổ chức Hội Người cao tuổi, cụ thể: rà soát, nghiên cứu chính sách hỗ trợ hoạt động của hội người cao tuổi các cấp phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội từng khu vực, vùng miền, địa phương; và phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, các mô hình câu lạc bộ, nhất là mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau; các phong trào chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi và phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Qua đó có thể thấy mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau được đánh giá cao trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi và tạo ra sự gắn kết giữa các thế hệ trong cộng đồng, góp phần tích cực trong việc chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò của người cao tuổi, cũng như có những đóng góp ý nghĩa và sự ổn định và phát triển của địa phương cũng như của toàn xã hội.

Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.