Chăm sóc sức khỏe

Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam khá cao, đạt 73,6 năm, nhưng thời gian sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 năm. Điều này có nghĩa là mặc dù người cao tuổi sống lâu hơn nhưng họ phải dành một thời gian dài để đối phó với bệnh tật. Trung bình một người trên 60 tuổi ở Việt Nam mắc 2,6 bệnh và người trên 80 tuổi mắc 6,8 bệnh. Phần lớn các bệnh người cao tuổi mắc phải là bệnh mạn tính và bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp, tim mạch, v.v. cần được chăm sóc lâu dài. Ngoài ra, theo một khảo sát, có đến 27,1% người cao tuổi có dấu hiệu trầm cảm, trong đó 9% có dấu hiệu trầm cảm nặng.

Nhu cầu được chăm sóc gia tăng, song tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc y tế còn hạn chế. Mặc dù Chính phủ và các ban ngành, tổ chức hữu quan đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quyền sức khỏe của người cao tuổi, thách thức lớn nhất vẫn ở khâu triển khai thực hiện chính sách, pháp luật. Thông báo về các văn bản chính sách cho người cao tuổi thường không kịp thời. Hơn nữa không có dữ liệu chi tiết về các chương trình y tế này, khả năng hỗ trợ đối tượng người cao tuổi, cũng như phạm vi địa lý được các chương trình bao phủ và các loại hình dịch vụ hiện có bao gồm dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục. Dịch vụ y tế cấp cơ sở được các trạm y tế xã cung cấp nhưng chỉ có một bộ phận nhỏ người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh. Giao thông cách trở, thiếu thốn thiết bị, dụng cụ y khoa tại cơ sở và thái độ ứng xử chưa thân thiện của đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe đã khiến nhiều người cao tuổi ngần ngại tiếp cận dịch vụ y tế. Tình trạng bất bình đẳng trong sức khỏe và y tế dần nới rộng giữa các nhóm kinh tế – xã hội, cũng như giữa khu vực nông thôn và thành thị. Đặc biệt người cao tuổi ở nông thôn ít có khả năng tiếp cận y tế hơn so với khu vực thành thị. Đối với các nhóm dân cư yếu thế, những người cao tuổi sống đơn thân trong điều kiện cơ bản nhất ở cả nông thôn và thành thị lại có khả năng cao nhất có ít nhất cũng một bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra, một bộ phận người cao tuổi còn nhận thức chưa đủ về việc khám chữa bệnh định kỳ và kịp thời, chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã chuyển biến nghiêm trọng.

Giải pháp của chúng tôi

Một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề trên là phát triển và mở rộng các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTH TGN), được thành lập và hỗ trợ kỹ thuật bởi tổ chức HelpAge International tại Việt Nam và Hội Người cao tuổi tại Việt Nam, đã và đang triển khai tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần cho người cao tuổi. Tại CLB LTH TGN, các thành viên và cộng đồng được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 2 lần/năm; được theo dõi huyết áp và cân nặng hàng tháng; được truyền thông về chăm sóc sức khỏe và cách tự chăm sóc ít nhất 1 lần/quý; được khuyến khích rèn luyện thân thể thường xuyên và được hỗ trợ tiếp cận bảo hiểm y tế. Ngoài ra, HelpAge International tại Việt Nam đang triển khai các dự án thí điểm lồng ghép quản lý bênh không lây nhiễm vào hoạt động của các CLB LTH TGN. Trong giai đoạn 2014-2020, có đến 97,7% thành viên các CLB LTH TGN luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; thành lập được 1.086 nhóm thể dục thể thao, khám sức khỏe định kỳ 91.607 lượt, trung bình mỗi người 3 lần/năm; 90,6% hội viên cho biết họ khỏe hơn từ khi tham gia CLB.

Ngoài việc trực tiếp hỗ trợ người cao tuổi thông qua các hoạt động của CLB LTH TGN, HelpAge International tại Việt Nam còn phối hợp với các đối tác và các bên liên quan vận động chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho một số chính sách, trong đó nổi bật là Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó bao gồm các chỉ tiêu: đến năm 2030, 100% người cao tuổi có bảo hiểm y tế (hiện nay khoảng 90 – 95% người cao tuổi có bảo hiểm y tế); chỉ tiêu chăm lo đời sống xã hội (CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi); các chỉ số già hóa tích cực (rèn luyện thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe); v.v.

HelpAge International tại Việt Nam cũng hỗ trợ tổ chức các cuộc họp tham vấn giữa Hội Người cao tuổi và Sở Y tế tại 6 tỉnh thuộc Dự án VIE071 và 2 tỉnh thuộc Dự án VIE688. Các tỉnh này này đã ký kết thành công chương trình phối hợp trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại địa phương, nhằm hướng tới cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế cho người cao tuổi cũng như củng cố mối quan hệ giữa Hội Người cao tuổi và ngành y tế.

This site is registered on wpml.org as a development site.