Chăm sóc dài hạn

Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tốc độ già hóa nhanh đòi hỏi phải có chiến lược, tầm nhìn dài hạn để giúp người cao tuổi có tuổi già khỏe mạnh và được chăm sóc đầy đủ. Một trong những biện pháp để giải quyết vấn đề này là chú trọng vào cải thiện và nâng cao các dịch vụ, mô hình chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. Hệ thống chăm sóc dài hạn cho phép người cao tuổi, những người bị suy giảm năng lực đáng kể, nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ phù hợp, giúp cho họ tận hưởng cuộc sống với đầy đủ quyền cơ bản và phẩm giá của con người.

Trên thực tế, công tác chăm sóc và chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi tại nước ta mới chỉ đáp ứng được một số khía cạnh và còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cả nước hiện nay chỉ có 49/63 tỉnh có khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện lão khoa; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có gần 2.000 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa. Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn với mức phí dịch vụ cao. Còn ở các địa phương, các trung tâm bảo trợ xã hội cũng dành một phần hoạt động để nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi nhưng chỉ tập trung hướng tới những người neo đơn, không nơi nương tựa.

Giải pháp của chúng tôi

Một giải pháp về chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai hiệu quả và khuyến khích áp dụng trong bối cảnh biến đổi nhân khẩu học hiện nay là mô hình dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng/tại nhà. Đối với dịch vụ này, người cao tuổi không phải đến sống tại các cơ sở chăm sóc tập trung, mà được chăm sóc, sinh sống tại nhà/cộng đồng của họ với môi trường tự nhiên và trong khoảng thời gian mà họ mong muốn, hoàn toàn phù hợp với quan điểm “già hóa tại chỗ.”

Tại Việt Nam, mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTH TGN) đã và đang triển khai hiệu quả hoạt động chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên cho người cao tuổi và người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi CLB thành lập một nhóm tình nguyện viên chăm sóc tại nhà bao gồm từ 5-10 người, chăm sóc cho ít nhất 5 người có nhu cầu ít nhất hai lần một tuần. Những tình nguyện viên này sẽ thực hiện các dịch vụ như chăm sóc cá nhân, hỗ trợ sinh hoạt, các công việc chăm sóc y tế đơn giản, v.v.

Ngoài ra, CLB LTH TGN còn phối hợp với cơ sở y tế địa phương để cung cấp dịch chăm sóc tại nhà bởi nhân viên y tế, áp dụng tại các CLB có khả năng chi trả. Trong đó, có ít nhất 1 nhân viên chăm sóc với chuyên môn y tế để chăm sóc người có nhu cầu đặc biệt.

Trong giai đoạn 2014 – 2020, thông qua triển khai 3 dự án (VIE047-KOICA, VIE051-EU, VIE070-KOICA), 567 CLB LTH TGN mới được thành lập với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức HelpAge International tại Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam, tuyển dụng được 5.182 tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, cung cấp các dịch vụ chăm sóc tại nhà miễn phí cho 3.346 người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh, neo đơn, bị suy giảm chức năng, v.v. tại địa phương nơi có CLB.

Trong năm 2022, với sự tài trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, HelpAge International tại Việt Nam đã tổ chức 6 khóa đào tạo tại 5 tỉnh/thành phố về chăm sóc tích hợp, bao gồm chăm sóc tại cộng đồng và chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi, với sự tham gia của 397 Ban chủ nhiệm, tình nguyện viên chăm sóc tại nhà của CLB LTH TGN và đại diện Hội người cao tuổi địa phương. Ngoài ra, HelpAge International tại Việt Nam còn phối hợp với Bệnh viện Lão khoa Trung ương xây dựng chuỗi video về kỹ thuật chăm sóc người cao tuổi làm tài liệu đào tạo cho người chăm sóc tại cộng đồng.

This site is registered on wpml.org as a development site.