Ngày 11/11/2024, tại tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Chương trình “Trao đổi, học tập và chia sẻ kinh nghiệm” trong khuôn khổ Dự án TA-9928 “Hỗ trợ xây dựng và phát triển Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng”. Sự kiện này có sự tham gia của các chuyên gia dự án của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các chuyên gia của tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI), đại diện từ Hội Người cao tuổi (NCT), các cơ quan thuộc ngành y tế và lao động – thương binh và xã hội của tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình, và đông đảo các đại biểu từ Ban Điều phối cấp huyện, Tiểu Ban Điều phối cấp xã, các Quản lý ca (QLC), Trợ lý QLC, Tình nguyện viên (TNV) chăm sóc tại địa bàn của Dự án. Chương trình là cơ hội quý báu để các bên cùng ngồi lại để trao đổi, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm trong việc triển khai hệ thống QLC tại hai địa bàn thực hiện Dự án là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa và huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Mở đầu sự kiện, các đại biểu NCT từ tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình đã có những tiết mục biểu diễn văn nghệ sôi nổi, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Những bài ca và điệu múa truyền thống đã mang lại không khí ấm cúng, thân thiện, giúp các đại biểu thêm gắn kết và hiểu rõ hơn về văn hóa của nhau.
Trong bài phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia tổ chức HAI, đã nêu lên về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của NCT trong bối cảnh già hóa dân số nhanh tại Việt Nam. Bà Thủy cũng nhấn mạnh về vai trò của việc xây dựng một hệ thống chăm sóc dài hạn bền vững và hiệu quả dựa vào cộng đồng, trong đó đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình đã đạt được trong việc thí điểm mô hình xây dựng hệ thống QLC trong khuôn khổ của Dự án.
Đồng khai mạc chương trình, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh Thanh Hóa, đã bày tỏ niềm vinh dự khi được góp mặt tại sự kiện, đánh giá cao về ý nghĩa cũng như những tác động mang lại của Dự án. Ông Thắng cũng nhắc tới một số kinh nghiệm thực tiễn mà Thanh Hóa đã tích lũy được qua quá trình triển khai chăm sóc dài hạn thông qua Hệ thống QLC tại địa phương, khuyến khích sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau để mang lại lợi ích tốt nhất cho NCT.
Chương trình trao đổi, học tập và chia sẻ kinh nghiệm về triển khai Hệ thống QLC tại cộng đồng được chia thành 5 phiên thảo luận, với 12 bài tham luận chất lượng từ các đại biểu là người trực tiếp tham gia vào Dự án tại địa phương. Phần đầu của chương trình gồm 3 phiên thảo luận đã diễn ra trong buổi sáng tại Hội trường Khách sạn Thiên Ý, thành phố Thanh Hóa. Xen kẽ giữa các phiên thảo luận là các tiết mục giao lưu văn nghệ giữa hai đoàn đại biểu, mang lại không khí sôi nổi, vui vẻ, thắm tình đoàn kết của NCT hai địa phương. Phiên thảo luận đầu tiên tập trung vào vấn đề xác định nhu cầu, cung cấp dịch vụ, đảm bảo chất lượng và tăng cường sự tham gia, sự hài lòng của NCT và gia đình. Trong bài tham luận của mình, ông Thiều Lê Huấn, Ủy viên thường trực Hội NCT tỉnh, Cán bộ Dự án TA-9928 tại tỉnh Thanh Hóa, đã điểm qua các hoạt động và kết quả nổi bật của Dự án tại địa bàn tỉnh.
Hoạt động của Dự án đã làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của gia đình, con cháu, cộng đồng đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe NCT.
Ông Thiều Lê Huấn, Ủy viên thường trực Hội NCT tỉnh, Cán bộ Dự án TA-9928 tại tỉnh Thanh Hóa
Trong phiên thảo luận thứ hai, các đại biểu đã chia sẻ những điển hình tốt và kinh nghiệm trong khuyến khích, động viên, duy trì lòng nhiệt tình, sự cam kết của các TNV chăm sóc tại địa phương. Bà Bùi Thị Tình, Trợ lý QLC ở thôn Quê Kho, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã kể về trường hợp điển hình của TNV Bùi Thị Hạnh chăm sóc cho trường hợp của bà Liên tuổi cao sức yếu một cách vô cùng tận tâm, chu đáo, gây xúc động cho nhiều người trong thôn. Để có được kết quả như vậy, bà Tình cho rằng điểm mấu chốt là nhờ các tiêu chí lựa chọn các trợ lý QLC và nhóm TNV được làm cẩn thận ngay từ đầu, chọn được những người có khả năng tham gia, vui vẻ hòa đồng, có tinh thần trách nhiệm cao, và cam kết lâu dài với các hoạt động của Dự án. Ngoài ra, bí quyết để “giữ lửa” cho đội ngũ TNV được bà Tình chia sẻ là nhờ những buổi hoạt động giao lưu chung của nhóm và tinh thần mở lòng, sẵn sàng cùng bàn bạc, giúp đỡ nhau trong các công việc khó khăn, không để thành TNV nào phải gánh vác một mình.
Tại phiên thứ ba, các đại biểu là đại diện cho Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau, Trạm y tế xã, Trung tâm y tế huyện và Ủy ban nhân dân (UBND) xã đã nêu lên sự tham gia và vai trò của các bên liên quan trong cung cấp dịch vụ chăm sóc cho NCT, đặc biệt là của ngành y tế. Các đại biểu đều nhấn mạnh rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là yếu tố then chốt để xây dựng một hệ thống chăm sóc NCT toàn diện và hiệu quả.
Sau giờ nghỉ trưa, các đại biểu đã cùng di chuyển tới Hội trường UBND xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục chương trình trao đổi. Phiên thảo luận thứ tư của chương trình đã tập trung vào vấn đề vận động nguồn lực để hỗ trợ NCT trong Hệ thống QLC. Hai bài tham luận của các đại biểu tới từ thôn Hạ Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình và thôn Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ cả chính quyền địa phương và cộng đồng để hỗ trợ NCT. Ngoài những thành tựu đáng kể, các đại biểu cũng chia sẻ về một số khó khăn còn tồn tại trong quá trình triển khai Dự án, ví dụ như việc người dân và một số cán bộ địa phương còn chưa hiểu rõ và chưa đồng thuận cao trong thời gian đầu do công tác tuyên truyền về mục tiêu và ý nghĩa của dự án còn hạn chế, hoặc về những trở ngại trong việc chăm sóc NCT bị bệnh nặng.
Trong phiên thảo luận cuối cùng, các đại biểu đã đưa ra kế hoạch để duy trì và nhân rộng mô hình sau khi Dự án kết thúc. Đại diện Ban điều phối ở cả hai huyện địa bàn Dự án là Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đều đánh giá cao ý nghĩa nhân văn sâu sắc của mô hình dịch vụ chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng qua Hệ thống QLC đã được triển khai tại địa phương, và đều có ý kiến đề xuất các cấp ủy, chính quyền và cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình.
Đối với huyện Vĩnh Lộc, sau khi kết thúc Dự án trước mắt tại địa bàn các thôn tiếp tục duy trì, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc đối với NCT đã được đưa vào quản lý của dự án do Nhóm Trợ lý Quản lý ca thôn trực tiếp và chủ động tiến hành có sự theo dõi, hỗ trợ của Hội NCT và Trạm y tế xã.
Ông Trịnh Thế Chuyên, Chủ tịch Hội NCT, Phó trưởng Ban Điều phối huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
Sau một ngày làm việc sôi nổi và đầy ý nghĩa, chương trình “Trao đổi, học tập và chia sẻ kinh nghiệm” trong khuôn khổ Dự án TA-9928 “Hỗ trợ xây dựng và phát triển Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng” đã khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, cũng như đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo và khả thi để cải thiện hệ thống quản lý và chăm sóc NCT tại cộng đồng.
Các phiên thảo luận đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan chuyên môn y tế, tới Hệ thống QLC tại cộng đồng và bản thân NCT và gia đình. Những câu chuyện và mô hình thành công được chia sẻ từ các thôn, xã đã góp phần làm rõ những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội trong quá trình triển khai hệ thống QLC.
Các đại biểu tham dự sự kiện đều thống nhất rằng việc nâng cao chất lượng chăm sóc và hỗ trợ NCT không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức hay cá nhân nào, mà đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Với tinh thần đó, sự kiện lần này đã tạo ra một diễn đàn mở, nơi mọi ý kiến và đóng góp đều được lắng nghe và tôn trọng.
TA 9928 – Dự án Hỗ trợ xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng
Nhà tài trợ: Quỹ Nhật bản vì một Châu Á-TBD Thịnh vượng và Thích ứng (JFPR) thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)
Chủ Dự án: Bộ Y tế (Vụ Bảo hiểm Y tế)
Tổ chức triển khai Mô hình thí điểm: Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI) hợp tác với Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình
- Hòa Bình: Thôn Đồng Ngoài, Thao Cả và Vó Cối, xã Vĩnh Tiến; thôn Bãi Chạo, Hạ Sơn và Quê Kho, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi
- Thanh Hóa: Thôn Bái Xuân, Đồng Minh và Văn Hanh, xã Vĩnh Phúc; thôn Phố mới, Thổ Phụ, và Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện huyện Vĩnh Lộc