Từ ngày 29 – 31/07/2024, đoàn chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Bộ Y tế đã có chuyến thăm và giám sát tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, một trong hai địa bàn thuộc Dự án TA9928 “Hỗ trợ xây dựng và phát triển Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng’’. Trong chuyến thăm và giám sát lần này, ADB và tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI) đã mời thêm đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế (Vụ Bảo hiểm Y tế; Vụ Kế hoạch và Tài chính; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Dân số; Viện Chiến lược và Chính sách Y tế), Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội (Cục Bảo trợ), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Sở Y tế và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Đoàn đã đến thăm 4 hộ gia đình có người cao tuổi đang được chăm sóc trong hệ thống quản lý ca của Dự án TA9928, cả 4 người cao tuổi đều có hoàn cảnh khó khăn, ốm yếu, phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Đoàn cũng đã dự cuộc họp quản lý ca thôn Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc; dự cuộc họp Tiểu ban Điều phối xã Vĩnh Phúc; gặp gỡ và làm việc với Tiểu Ban điều phối xã Vĩnh Tiến; thăm Trạm Y tế hai xã Vĩnh Phúc và Vĩnh tiến; gặp và làm việc với Ban Điều phối huyện Vĩnh Lộc.
Sau khi thăm hộ gia đình và dự các cuộc họp cấp thôn, xã, huyện, các chuyên gia của ADB và đại diện các Bộ ngành trung ương và cấp tỉnh đã có các trao đổi, thảo luận cùng với cơ sở rất tích cực và cùng chia sẻ các bài học kinh nghiệm cũng như phương hướng duy trì mô hình sau khi Dự án kết thúc. Nhìn chung sau một năm triển khai, ADB và các đại diện Bộ ngành trung ương và cấp tỉnh đánh giá cao các hoạt động tại địa bàn Dự án, các hoạt động đã được nâng cao chất lượng và đi vào ổn định. Đặc biệt là sự tham gia, điều phối cũng như cam kết từ chính quyền địa phương từ cấp thôn, cấp xã, đến cấp huyện dưới sự hỗ trợ và chỉ đạo triển khai từ Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa.
Điểm nổi bật tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đó là sự vào cuộc của ngành y tế, việc thăm khám và tư vấn định kỳ hàng tháng không chỉ giúp cho người cao tuổi cảm thấy được quan tâm chăm sóc mà còn giúp phát hiện các vấn đề về sức khỏe và lâm sàng một cách kịp thời và có những tư vấn điều trị và thay đổi hành vi nếu cần. Đại diện các Bộ, ngành trung ương và cấp tỉnh đều cho thấy họ rất quan tâm đến mô hình chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng, trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh, Việt Nam cần có một mô hình ít chi phí, phù hợp với địa phương để thích ứng với già hóa dân số.
Bên cạnh đó các chuyên gia cũng có các góp ý nhằm giúp cho Hệ thống quản lý ca ngày càng toàn diện hơn, các hoạt động trong Dự án TA9928 được tốt hơn làm sao để có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người cao tuổi tại địa phương nói chung từ các kinh nghiệm thực tiễn của các nước khác. Nhóm Dự án của tổ chức HAI cùng với các chuyên gia ADB trong nước ghi nhận các đóng góp, sự hỗ trợ và các góp ý từ ADB và đại diện các Bộ, ngành cấp Trung ương và cấp tỉnh để mô hình thí điểm tại hai tỉnh ngày càng ngày càng hoàn thiện và phù hợp với bối cảnh ở địa phương để có thể chuẩn hóa và nhân rộng về sau.