Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc (UN DESA) đã chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế Người cao tuổi 2024 là: “Già hóa cùng phẩm giá – Tầm quan trọng của tăng cường hệ thống hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi trên toàn thế giới.” Chủ đề năm nay nhấn mạnh về sự cần thiết của việc xây dựng và củng cố các hệ thống hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi, nhằm đảm bảo rằng họ có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và có phẩm giá. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dân số thế giới đang già hóa nhanh chóng, đòi hỏi các quốc gia phải có những biện pháp thích ứng kịp thời để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.
Già hóa dân số là một xu hướng toàn cầu quan trọng đang tái định hình cơ cấu dân số của các quốc gia trên toàn thế giới. Sự thay đổi đáng kể này trong cấu trúc tuổi của dân số là kết quả của việc giảm tỷ lệ sinh và tăng tuổi thọ. Ngày nay, tuổi thọ kỳ vọng khi sinh đã vượt quá ngưỡng 75 năm ở một nửa số quốc gia hoặc khu vực trên thế giới, cao hơn 25 năm so với chỉ số này của những người sinh ra vào năm 1950. Những người đạt đến tuổi 65 hiện nay dự kiến sẽ sống thêm trung bình 16,8 năm nữa. Năm 2018 đã đánh dấu một cột mốc lịch sử khi số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên lần đầu tiên vượt qua số trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu. Đến năm 2030, số người cao tuổi trên toàn cầu dự kiến sẽ vượt qua số thanh niên và gấp đôi số trẻ em dưới năm tuổi. Sự gia tăng này được dự đoán sẽ diễn ra nhanh nhất ở các nước đang phát triển.[1]DESA (2022), World Population Prospects 2022
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên trong tổng dân số đã tăng đáng kể trong hơn một thập kỷ qua, từ 8,68% (7,45 triệu người) năm 2009 lên 12,8% (12,6 triệu người) năm 2021 và dự kiến sẽ đạt gần 17% (17,9 triệu người) vào năm 2030, theo Tổng cục Thống kê.[2]Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, 2019 và Dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069 Tuy nhiên, theo dữ liệu dân cư quốc gia, năm 2023 số NCT Việt Nam đã hơn 16 triệu người, chiếm hơn 16% tổng dân số. Dự báo, đến năm 2036, người cao tuổi sẽ chiếm 20% tổng dân số (với khoảng 22,29 triệu người) và Việt Nam sẽ chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.
Trước sự thay đổi nhân khẩu học toàn cầu này, bối cảnh về ngành chăm sóc đang trải qua những biến đổi đáng kể, bao gồm một loạt các nhu cầu hỗ trợ cả trả phí và không trả phí, trong cả môi trường chính thức và không chính thức. Những thập kỷ gần đây đã chứng kiến sự thay đổi trong cách sắp xếp cuộc sống của các gia đình và người cao tuổi ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Kết hợp với xu hướng già hóa chung, điều này đã làm tăng nhu cầu về các hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc khác nhau. Trong khi đó, sự gia tăng số lượng người chăm sóc không theo kịp với nhu cầu về chăm sóc dài hạn. Năm 2015, thế giới thiếu khoảng 13,6 triệu nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp.[3]DESA (2023), World Social Report 2023 Leaving No One Behind In An Ageing World Những thiếu hụt này dẫn đến việc một nửa dân số cao tuổi trên toàn cầu không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc dài hạn chất lượng.
Cùng với quá trình già hóa dân số, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, chăm sóc và hỗ trợ xã hội cũng tăng lên đáng kể. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người cao tuổi mắc các bệnh như sa sút trí tuệ, một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến người cao tuổi phụ thuộc vào chăm sóc của người khác và dẫn đến khuyết tật ở tuổi già trên toàn thế giới.[4]WHO (2021), Global Status Report on the Public Health Response to Dementia Nhu cầu về chăm sóc chuyên biệt đã trở thành một phần không thể thiếu trong các yêu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung của dân số cao tuổi. Tuy nhiên, hầu hết các nhân viên chăm sóc, cả trả phí và không trả phí, đều chưa được đào tạo đầy đủ để đáp ứng những nhu cầu phức tạp này. Do đó, một nhu cầu cấp bách trên toàn thế giới là việc mở rộng cơ hội đào tạo và giáo dục trong các lĩnh vực lão khoa và lão học cho các chuyên gia y tế, chuyên gia chăm sóc xã hội và những người chăm sóc không chính thức làm việc với người cao tuổi.
Người cao tuổi là một nhóm không đồng nhất với các nhu cầu sức khỏe đa dạng, đòi hỏi các mức độ chăm sóc và hỗ trợ khác nhau. Theo truyền thống, gánh nặng chăm sóc thường rơi vào các thành viên trong gia đình đa thế hệ sống chung, tức là dựa vào gia đình như một hệ thống hỗ trợ không chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những thay đổi về quy mô và động lực gia đình, xu hướng già hóa dân số và các xu hướng xã hội và kinh tế khác đang làm suy yếu các hệ thống hỗ trợ truyền thống này. Phụ nữ chiếm đa số trong cả những người được chăm sóc và tham gia chăm sóc, đóng góp khoảng 70% số giờ chăm sóc phi chính thức trên toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi các chính sách và dịch vụ chăm sóc chưa được quan tâm đúng mực, khiến phụ nữ dễ bị tổn thương hơn khi trải qua cảnh nghèo đói ở tuổi già. Những người chăm sóc gia đình thường phải gánh vác nhiều trách nhiệm cùng lúc, khiến họ phải làm việc quá sức và có nguy cơ gây suy giảm trong chất lượng chăm sóc.
Bảo vệ quyền con người của cả người chăm sóc và người được chăm sóc là một yếu tố cơ bản để thực hiện các chiến lược chăm sóc hiệu quả. Và cần phải có sự công nhận và đánh giá cao những đóng góp đa dạng của người chăm sóc. Những đóng góp này bao gồm từ các thành viên gia đình cung cấp chăm sóc không trả phí đến các chuyên gia cung cấp các dịch vụ hướng đối tượng, bao gồm chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng và chăm sóc dài hạn. Cần có tư duy mới về các phương pháp tiếp cận trong hệ thống chăm sóc và hỗ trợ để mang lại lợi ích cho người cao tuổi ngày nay và những người chăm sóc họ, cũng như các thế hệ người cao tuổi trong tương lai. Hệ thống chăm sóc và hỗ trợ cho người cao tuổi nên được điều chỉnh theo nhu cầu, giá trị và sở thích của cả người được chăm sóc và người chăm sóc.
Trong khuôn khổ các hoạt động của mình, tổ chức HelpAge International (HAI) tại Việt Nam luôn chú trọng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, đặc biệt thông qua mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTH TGN) – một mô hình đã được Chính phủ Việt Nam thúc đẩy nhân rộng ra toàn quốc, với chỉ tiêu cần đạt trong Chương trình Hành động Quốc gia về người cao tuổi 2021-2030 là ít nhất 80% xã phường trên toàn quốc sẽ có CLB LTH TGN hoặc mô hình tương tự nhằm vừa chăm sóc vừa phát huy vai trò của người cao tuổi. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1336/QĐ-TTg ban hành ngày 31/08/2020 đã phê duyệt Đề án Nhân rộng mô hình CLB LTH TGN giai đoạn đến năm 2025, đặt chỉ tiêu thành lập thêm ít nhất 3.000 CLB đồng thời duy trì các CLB đã thành lập trước đó.
Với tôn chỉ cho rằng người cao tuổi không chỉ là đối tượng cần được hỗ trợ và chăm sóc, mà họ cũng chính là một nguồn lực lớn, có khả năng đóng góp tích cực vào các công tác chăm sóc sức khỏe và chăm sóc dài hạn tại địa phương, các CLB LTH TGN đều thực hiện các mảng hoạt động này và mang lại kết quả tốt. 99% thành viên cho biết sức khỏe của họ đã được cải thiện đáng kể kể từ khi tham gia CLB.[5]Kết quả đánh giá năm 2023 của Dự án VIE071 – Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về Thu nhập và Sức khỏe của Người cao tuổi tại Việt Nam Mỗi CLB LTH TGN đều có từ 5 tới 10 tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, thực hiện chăm sóc cho khoảng 4 tới 5 trường hợp bị suy giảm các chức năng hoạt động cần được hỗ trợ và chăm sóc dài hạn. Thông qua một số dự án đang được triển khai, tổ chức HAI cũng tích cực thúc đẩy việc thí điểm củng cố và nâng cao chất lượng của hệ thống chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồngthông qua các CLB LTH TGN. Các dự án này này tập trung xây dựng hệ thống quản lý ca và cung cấp dịch vụ chăm sóc tích hợp và dài hạn dựa vào cộng đồng, thông qua nâng cao năng lực cho đội ngũ người chăm sóc cộng đồng, quản lý ca, trợ lý quản lý ca; thúc đẩy sự kết nối với các ban, ngành hữu quan nhằm cung cấp chăm sóc tích hợp và toàn diện cho người cao tuổi, cả chăm sóc sức khỏe và chăm sóc tâm lý, xã hội, bao gồm hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Dù đang trong giai đoạn thí điểm, nhưng các kết quả bước đầu rất đáng kích lệ, hướng tới việc xây dựng một hệ thống hỗ trợ và chăm sóc tích hơp, toàn diện, có thể chi trả được, phù hợp và bền vững tại cộng đồng.
Các hoạt động của tổ chức HAI, hợp tác với Hội Người cao tuổi các cấp trong lĩnh vực này đã chứng minh rằng, với sự tham gia tích cực của người cao tuổi và sự hỗ trợ từ cộng đồng, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững, hướng tới một xã hội già hóa khỏe mạnh và không ai bị bỏ lại phía sau. Trong tương lai, HAI sẽ tiếp tục phát triển và hỗ trợ các địa phương nhân rộng mô hình CLB LTH TGN và các dự án về chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Sự hợp tác giữa các tổ chức, chính phủ và cộng đồng là yếu tố then chốt để đảm bảo rằng mọi người cao tuổi đều được sống một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và có phẩm giá.
Ngày Quốc tế Người Cao Tuổi năm 2024 là dịp để chúng ta cùng nhìn lại và đánh giá những thành tựu đã đạt được, đồng thời xác định những bước đi tiếp theo để xây dựng một hệ thống hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi toàn diện và hiệu quả hơn. Hãy cùng hành động để đảm bảo rằng mọi người cao tuổi đều được tôn trọng, được phát huy vai trò và sự đóng góp, cũng như được hỗ trợ và chăm sóc đúng mức, nhằm góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái và phát triển bền vững, kể cả trong bối cảnh dân số già hóa nhanh.
References[+]
↑1 | DESA (2022), World Population Prospects 2022 |
---|---|
↑2 | Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, 2019 và Dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069 |
↑3 | DESA (2023), World Social Report 2023 Leaving No One Behind In An Ageing World |
↑4 | WHO (2021), Global Status Report on the Public Health Response to Dementia |
↑5 | Kết quả đánh giá năm 2023 của Dự án VIE071 – Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về Thu nhập và Sức khỏe của Người cao tuổi tại Việt Nam |