Chiều ngày 10/5/2024 tại Hà Nội, tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI) đã tổ chức Hội thảo Chia sẻ mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTH TGN). Buổi hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ của Dự án VIE071 – “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khoẻ của người cao tuổi Việt Nam”. Đại diện Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam; đại diện Hội NCT một số tỉnh thành trên cả nước; đại diện các ban ngành, đoàn thể cùng một số tổ chức liên quan đã tham dự Hội thảo.
Trong phần phát biểu khai mạc và giới thiệu về mô hình CLB LTH TGN, bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HAI, đã nêu khái quát về tình hình già hóa dân số tại Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy NCT tại Việt Nam hiện đang tăng nhanh cả về số lượng và tỷ trọng. Dự kiến tới năm 2036, số người từ 60 tuổi trở lên tại Việt Nam sẽ đạt 20% dân số, và đất nước sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già.
“Già hóa dân số” là một trong những thành tựu lớn, minh chứng cho sự cải thiện đáng kể về đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc y tế và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, già hóa nhanh trong khi Việt Nam vẫn ở mức thu nhập trung bình thấp, đặt ra nhiều thách thức, tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, lao động, việc làm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, v.v.
CLB LTH TGN là mô hình phát triển bền vững dựa vào cộng đồng nhằm giúp người dân, đặc biệt người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ, người cao tuổi, được nâng cao thu nhập, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận tốt hơn với quyền lợi của mình và tự giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. CLB LTH TGN được đánh giá là một mô hình cộng đồng hiệu quả, có tính bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng của NCT nói riêng và người dân ở cộng đồng nói chung, thích ứng với già hóa dân số; giúp bảo vệ, phát huy và chăm sóc NCT ngay tại cộng đồng và phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.
CLB LTH TGN đã và đang được chủ trương triển khai trên toàn quốc theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB LTH TGN giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1533); Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB LTH TGN giai đoạn đến 2025 (Đề án 1336); Quyết định 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi, giai đoạn 2021-2030.
Theo báo cáo tại Hội nghị đánh giá Kết quả giữa kỳ triển khai Đề án “Nhân rộng mô hình CLB LTH TGN giai đoạn đến năm 2025” của Hội NCT Việt Nam được tổ chức sáng cùng ngày, tính đến cuối tháng 12/2023, cả nước có 6.521 CLB LTH TGN, với khoảng 456.470 thành viên. Trong đó, ước tính số lượng CLB được thành lập mới từ khi triển khai Đề án khoảng 3.021 CLB, vượt chỉ tiêu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao trước gần 2 năm. Tại nhiều địa phương (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk) đã bao phủ 100% số xã có CLB.
Kết quả khảo sát các thành viên CLB LTH TGN được thành lập trong khuôn khổ Dự án VIE071 cho thấy, sau khi tham gia CLB, đời sống vật chất và tinh thần của NCT ở địa bàn triển khai dự án đã ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Cụ thể như, 99,5% thành viên CLB thấy vui hơn; 99,9% thành viên cảm thấy tình đoàn kết được nâng cao; 99,8% thành viên CLB thấy tự tin hơn; 99% thành viên cảm thấy thấy khỏe hơn; 80% thành viên cho biết thu nhập được cải thiện; 99% thành viên thấy hiểu biết hơn.
Thông qua các tham luận trong hội thảo, các cơ quan ban, ngành, Hội NCT các cấp và một số bên liên quan đã chia sẻ về kinh nghiệm thành lập và phát triển các CLB, tăng cường và đảm bảo tính bền vững trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ NCT, và đề xuất về nhân rộng CLB LTH TGN trong thời gian tới.
Trong phần phát biểu của mình, ông Bùi Văn Xiển, Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh Hòa Bình, đã chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng và phát triển CLB mạnh: “Đầu tiên nhất phải nói đến việc xác định quan điểm tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn của tỉnh Hòa Bình là ‘chất lượng hơn số lượng.’ Tỉnh Hội thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, công tác thành lập và hướng dẫn hoạt động của CLB. Trong đó có việc sát sao hướng dẫn hoạt động tại từng thời điểm phát triển của CLB như khi mới thành lập, đến thời điểm hoàn thiện và trưởng thành… để đảm bảo CLB luôn thực hiện đầy đủ, hiệu quả 8 mảng hoạt động và sinh hoạt hàng tháng.”
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh Thanh Hoá, đã nêu bật về tính bền vững của mô hình CLB LTH TGN, đặc biệt là bền vững về kỹ thuật, nhân sự, tài chính, và có được sự ủng hộ rộng rãi và tham gia sâu rộng của các ban ngành để phối hợp và triển khai tổ chức các hoạt động của CLB. Ông Nguyễn Đức Thắng cũng đưa ra đề xuất: “Các dự án hỗ trợ cho NCT nên gắn với mô hình các CLB LTH TGN sẽ đạt được kết quả nhanh chóng, hiệu quả cao và bền vững. Các Dự án tới cần quan tâm đến những vấn đề về nâng cao thu nhập cho NCT vùng khó khăn; chăm sóc NCT tại cộng đồng; hướng nghiệp khởi nghiệp đối với NCT; mô hình phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu cho NCT; Bảo vệ môi trường; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đối với NCT… trong xu thế già hoá dân số ở Việt Nam đang tăng nhanh. Đặc biệt là sự cần thiết của những quyết định của chính phủ tiếp tục nhân rộng CLB sau năm 2025 (sau QĐ 1336), có cơ sở pháp lý huy động nguồn nhân lực và tài chính trong và ngoài nước.”
Chia sẻ kinh nghiệm về CLB tăng cường hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT là một nội dung quan trọng của hội thảo. Theo kinh nghiệm của Ban đại diện NCT tỉnh Khánh Hòa, là một tỉnh có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, sự tham gia của các ngành, các cấp là yếu tố mang tính chất ”chìa khóa” để cải thiện và tăng cường hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT của CLB. Từ đó, Hội NCT/ Ban đại diện NCT tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể với Sở Y tế và các đơn vị y tế cơ sở để có lịch trình tham gia cụ thể. Bên cạnh ngành y tế, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy các hoạt động chăm sóc sức khỏe của CLB và của đơn vị y tế địa phương.
Tất cả các bài trình bày và các phát biểu tham luận tại Hội thảo đều thống nhất rằng rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt chủ trương, chính sách để huy động nguồn nhân lực và tài chính cho việc tiếp tục nhân rộng mô hình CLB LTH TGN. Ngay từ bây giờ, các bên liên quan cần có các bước cụ thể để xây dựng đề án để tiếp tục nhân rộng mô hình sau năm 2025, sau khi Đề án 1336 kết thúc.
Dự án VIE 071 “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam” được thực hiện trong 4 năm, bắt đầu từ tháng 12/2020 đến hết tháng 12/2024. Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản, thực hiện tại 6 tỉnh/thành phố: Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Ninh Thuận.