Hội thảo khởi động Dự án TA9928 của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Báo cáo kết quả nghiên cứu về nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam

Ngày 17/08/2023, Bộ Y tế đã tổ chức “Hội thảo khởi động Dự án TA9928 của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Báo cáo kết quả nghiên cứu về nhu cầu chăm sóc dài hạn người cao tuổi tại Việt Nam”, tại khách sạn Fortuna, Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Dự án TA9928 do Quỹ Nhật bản vì một Châu Á – Thái Bình Dương Thịnh vượng và Thích ứng (JFPR) tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Tham dự hội thảo có các Chuyên gia từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Viện Nghiên cứu Y xã hội học, đại diện ngành y tế, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, người cao tuổi các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình, Hưng Yên, Thừa Thiên – Huế, các tổ chức quốc tế gồm Tổ chức Y tế thế giới, HelpAge International tại Việt Nam (HAI), cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Trong hội thảo, Bà Trần Bích Thủy – Giám đốc Quốc gia của HAI đã có bài trình bày về “Tổng quan về Mô hình thí điểm chăm sóc dài hạn (CSDH) dựa vào cộng đồng cho người cao tuổi và các bên liên quan trong Mô hình thí điểm”. Các thông tin về địa bàn Dự án (Thanh Hóa và Hòa Bình), các bên liên quan tham gia vào Mô hình thí điểm cùng các hoạt động đã, đang và sẽ được triển khai trong Mô hình được chia sẻ và nhấn mạnh.

Bà Trần Bích Thủy – Giám đốc Quốc gia của HAI, trình bày trong Hội thảo

Ngoài ra, trong hội thảo cũng có các bài trình bày của các chuyên gia trong nước và quốc tế về mô hình CSDH tại các nước trên thế giới, bài học kinh nghiệm và các kết quả đánh giá nhu cầu tại địa bàn Dự án TA9928. Trong đó PSG. TS. BS. Phạm Huy Tuấn Kiệt – Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội – Chuyên gia Tài chính Mô hình CSDH NCT có bài chia sẻ về “Gói Dịch vụ CSDH người cao tuổi – Phân tích tác động đến Luật Bảo hiểm y tế. Chi phí gói dịch vụ CSDH người cao tuổi: những phát hiện ban đầu”, hướng đến việc đưa các bằng chứng thực tiễn để đề xuất chỉnh sửa luật BHYT, các văn bản pháp lý hay luật cần bổ sung các chương trình về CSDH.

Trong phần thảo luận, các đại biểu tham gia chia sẻ rất tích cực, đặc biệt là đại diện Hội Người cao tuổi các địa phương. Ông Thiều Lê Huấn – Chánh Văn phòng, Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa chia sẻ hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.200 Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTH TGN/CLB), với khoảng 6.000 tình nguyện viên (TNV) đang chăm sóc cho hơn 10.000 người tại cộng đồng. Đây là một lực lượng hùng hậu giúp triển khai các hoạt động CSDH. Tuy nhiên lực lượng TNV này lại chưa được tập huấn, thiếu kiến thức và kĩ năng chăm sóc. Nếu như đội ngũ TNV này được tập huấn hoặc có các tài liệu như sổ tay, video về CSDH để giúp tăng cường năng lực cho các TNV thì chất lượng chăm sóc sẽ được cải thiện rất nhiều.

Ông Thiều Lê Huấn – Chánh Văn phòng, Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ trong Hội thảo

Ông Đinh Ngọc Hà – Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Ninh Bình cũng chia sẻ về các hoạt động của CLB LTH TGN trên toàn tỉnh, ông đánh giá đây là một mô hình hiệu quả và toàn diện giúp chăm sóc cho người cao tuổi tại cộng đồng, tại nhà, và giảm tải gánh nặng cho ngành y tế, giúp tiết kiệm chi phí cho Chính phủ trong chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay các CLB LTH TGN còn thiếu sự quan tâm từ các cấp, các ban ngành. Để thúc đẩy việc chăm sóc cho người cao tuổi, sự quan tâm, ủng hộ đối với lực lượng CLB LTH TGN ngày càng mở rộng sẽ là yếu tố giúp công cuộc chăm sóc sức khỏe và tinh thần, xã hội cho người cao tuổi.

Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về việc đơn vị nào ở cấp Trung ương và địa phương sẽ đứng ra đầu mối/điều phối các hoạt động chăm sóc dài hạn này và cách thức tổ chức cũng như hướng dẫn thực hiện ra sao.

Bà Meredith Wyse – Chuyên gia cao cấp Phát triển xã hội – Hệ thống chăm sóc dài hạn ADB chia sẻ rằng, CSDH là cả một quá trình, cần sự vào cuộc của Chính phủ và các ban ngành. Bà cũng đưa ra ví dụ về hệ thống CSDH ở Thái Lan có sự phối hợp của rất nhiều Bộ, Ngành như Bộ Y tế Công cộng chịu trách nhiệm về xây dựng năng lực, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về kinh phí, v.v.

Bà Meredith Wyse – Chuyên gia cao cấp Phát triển xã hội – Hệ thống chăm sóc dài hạn ADB, phát biểu trong Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Ông Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng, Vụ Bảo hiểm y, Bộ Y tế tế nhấn mạnh rằng, CSDH không chỉ đơn thuần là chăm sóc sức khỏe mà còn bao gồm cả chăm sóc về tinh thần và xã hội. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới nhưng vẫn thuộc nhóm nước có thu nhập thấp và trung bình, và các khái niệm về CSDH ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ, chưa có một văn bản hay chính sách nào đề cập đến vấn đề về CSDH và chúng ra vẫn đang lúng túng với trong vấn đề này. Tới đây các ban ngành cũng cần bàn thảo cụ thể hơn về việc ai/đơn vị nào sẽ đứng ra điều phối các hoạt động về CSDH và cách thức triển khai như thế nào, sự tham gia vào cuộc của các ban ngành ra sao và thúc đẩy như thế nào để có các chương trình của về CSDH của Chính phủ.

Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.