Phối hợp hiệu quả giữa cơ sở y tế địa phương và mô hình cộng đồng trong quản lý và dự phòng bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) đã và đang trở thành gánh nặng cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong số các BKLN, tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) là những bệnh mãn tính thường gặp nhất, chủ yếu là ở người cao tuổi (NCT) và đang có chiều hướng trẻ hoá. Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 12 triệu người mắc THA, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc (Bộ Y tế, 2019) và gần 3,8 triệu người đang sống chung với bệnh ĐTĐ (Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế, 2019). Một trong những cách hiệu quả nhất để phòng ngừa và kiểm soát hai căn bệnh này là tiến hành sàng lọc để phát hiện sớm những dấu hiệu và nguy cơ bệnh và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc THA và ĐTĐ được phát hiện, điều trị cũng như tiếp cận với các dịch vụ y tế trong cộng đồng còn rất hạn chế. Theo thống kê, có gần 60% người mắc THA và gần 70% người ĐTĐ chưa được phát hiện bệnh (BYT, 2018). Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là người dân chưa  nhận thức đúng về các căn bệnh trên và thiếu sự kết nối giữa các cơ sở y tế với cộng đồng trong việc dự phòng và quản lý BKLN.

Nhằm thay đổi thực trạng trên, dự án SUNI SEA/VIE688 – “Phát triển và mở rộng can thiệp phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ đã xây dựng mô hình can thiệp có sự phối hợp giữa cộng đồng (thông qua mô hình Câu lạc bộ Liên thế Tự giúp nhau (CLB LTH TGN/CLB) với cơ sở y tế (CSYT) trong phòng ngừa và quản lý BKLN.

Mô hình can thiệp phối hợp giữa mô hình cộng đồng và cơ sở y tế Tên các tổ chức viết tắt: HAI – Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam, Viện CLCSYT – Viện Chiến lược và Chính sách Y tế – Bộ Y tế, ĐHYDTN – Đại học Y dược Thái Nguyên

Mô hình tập trung tập trung vào: 1) Nâng cao năng lực cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ), cụ thể là các các trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện, trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc và quản lý BKLN; 2) Cải thiện sự kết nối và hỗ trợ giữa các cơ sở CSSKBĐ với các nhóm dựa vào cộng đồng; 3) Nâng cao năng lực, kỹ năng cho các nhóm dựa vào cộng đồng (Ban chủ nhiệm (BCN) và tình nguyên viên chăm sóc sức khỏe (TNV CSSK) của CLB LTH TGN) trong việc sàng lọc, phát hiện sớm và phòng ngừa BKLN tại CLB.

Trong mô hình này, các TNV CSSK được trang bị các kiến thức, kỹ năng thực hiện sàng lọc tổng quát yếu tố nguy cơ bệnh THA và ĐTĐ (bao gồm đo chiều cao, cân nặng, tính chỉ số khối cơ thể (BMI), đo vòng bụng, đo huyết áp, đánh giá nguy cơ ĐTĐ thông qua bảng hỏi 8 câu hỏi (FINDRISC), thực hiện giáo dục nâng cao sức khỏe và giới thiệu những người có nguy cơ cao đến CSYT. Các cán bộ y tế (CBYT) được nâng cao kiến thức về các bệnh THA và ĐTĐ; tăng cường sự kết nối với CLB LTH TGN thông qua các buổi sàng lọc tổng quát cho các thành viên cũng như ngoài cộng đồng, các buổi truyền thông nâng cao nhận thức về các BKLN tại CLB; tiếp nhận các trường hợp có nguy cơ cao do CLB chuyển gửi tới.

Từ năm 2021 đến nay Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn, tập huấn bổ sung về quản lý và dự phòng BKLN cho Hội NCT, CLB LTH TGN và các bên liên quan, cùng các chuyến giám sát, hỗ trợ kỹ thuật tại hai tỉnh/thành phố Ninh Bình và Hải Phòng. Tham gia tập huấn, bên cạnh các TNV CSSK, BCN CLB, đại diện Hội NCT các cấp, còn có sự góp mặt của CBYT địa phương.

Việc tham gia Dự án đã đem đến góc nhìn mới cho các cơ sở y tế trong việc phối hợp với các mô hình dựa vào cộng đồng để nâng cao chất lượng quản lý và phòng ngừa BKLN. Họ nhận thấy tiềm năng to lớn mà mô hình có sự kết hợp này sẽ đem lại và bày tỏ mong muốn cùng với các CLB thực hiện hiệu quả các hoạt động của Dự án, cũng như góp phần thực hiện thành công chỉ tiêu: Đến năm 2025, 95% số Trạm Y tế xã và Trung tâm Y tế huyện thực hiện dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường theo quy định (Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025”).

Ông Phạm Văn Sử, Cán bộ TYT xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, sau khi tham gia lớp tập huấn đã chia sẻ: “Sau 4 ngày tập huấn, các thành viên CLB được trang bị những kiến thức nền tảng về bệnh THA và ĐTĐ, cũng như khả năng tổ chức sàng lọc hai bệnh này. Những thành viên tham gia khóa đào tạo lần này sẽ được cân nhắc trở thành các cộng tác viên của TYT, hỗ trợ chúng tôi trong việc giải quyết các thách thức về khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm và tư vấn cho người dân về BKLN hiện nay. Nếu hoạt động này được duy trì và thực hiện tốt thì tôi tin rằng số người mắc BKLN trong cộng đồng sẽ giảm và được quản lý tốt trong những năm tới.”

Ông Phạm Văn Sử, Cán bộ Y tế TYT xã Toàn Thắng góp ý cho phần thực hành đo huyết áp của học viên

Sau lớp tập huấn đầu năm 2021, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các CLB tại tỉnh Ninh Bình gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện sàng lọc tổng quát nguy cơ bệnh THA và ĐTĐ cho thành viên cũng như nhận sự hỗ trợ từ cơ sở y tế địa phương. Song với sự sáng tạo, linh hoạt để thích ứng với bối cảnh mới, nhiều CLB đã tổ chức thành công hoạt động sàng lọc, đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch. Đặc biệt, một số CLB đã kết nối thành công và mời  CBYT TYT xã đến hỗ trợ quá trình sàng lọc tổng quát và truyền thông nâng cao nhận thức cho thành viên CLB. Việc có sự tham gia hỗ trợ nhiệt tình của cơ sở y tế đã tạo nên hiệu ứng tích cực, vừa tăng thêm sự uy tín cho hoạt động sàng lọc tại CLB, vừa từng bước đánh dấu sự chuyển biến mới trong mối quan hệ giữa y tế với cộng đồng.

Một số hình ảnh CBYT địa phương hỗ trợ CLB thực hiện sàng lọc tổng quát nguy cơ bệnh THA và ĐTĐ cho thành viên CLB

Chủ nhiệm CLB Xóm 9 xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, Ninh Bình chia sẻ: “Sau khi kết thúc lớp tập huấn vào năm 2021, đến nay chúng tôi đã thực hiện sàng lọc 2 lần cho thành viên CLB. Cả 2 lần TYT xã đều cử 2 cán bộ đến hỗ trợ chúng tôi. Một trong hai cán bộ đó còn từng cùng chúng tôi tham gia lớp tập huấn đợt trước nữa. Họ hỗ trợ chúng tôi lấy máu đầu ngón tay để kiểm tra ĐTĐ, đo huyết áp và tư vấn sau sàng lọc cũng như tiếp nhận các trường hợp có nguy cơ cao mà chúng tôi giới thiệu đến. Họ còn nói rằng muốn lấy hoạt động này của CLB làm gương để lan rộng ra toàn xã. Trước khi có Dự án chúng tôi chưa từng nhận được sự quan tâm lớn như thế này từ y tế xã. Chúng tôi mừng lắm!”

Các thành viên có nguy cơ cao được phát hiện sau khi sàng lọc tại CLB đều được Ban chủ nhiệm cùng TNV CSSK giới thiệu đến TYT xã và được TYT xã tiếp nhận để tiến hành chẩn đoán chính xác và đưa vào điều trị nếu mắc bệnh. Nhờ đó, nhiều thành viên được phát hiện bệnh sớm và cải thiện tình trạng sức khỏe. Một trong những trường hợp điển hình là bà Trần Thị Vân (sinh năm 1961), thành viên CLB Xóm 9 xã Liên Sơn. Bà Vân được CLB phát hiện có nguy cơ cao mắc bệnh THA thông qua sàng lọc vào năm 2021. Bà được CLB tư vấn điều chỉnh lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng hợp lí, và được giới thiệu đến TYT xã, được cấp thuốc điều trị. Hàng tháng CLB vẫn thăm hỏi bà và nhắc nhở bà uống thuốc đều đặn. Cuối năm 2021, bà không may bị tai biến, ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe, đặc biệt là huyết áp. Song, nhờ luôn uống thuốc đều đặn, tuân thủ các chế độ rèn luyện thể lực phù hợp cùng chế độ dinh dưỡng hợp lí mà CLB tư vấn, các triệu chứng của bà đã giảm rõ rệt.

Bà Trần Thị Vân, thành viên CLB Xóm 9 xã Liên Sơn, Ninh Bình

Tiềm năng to lớn của phương pháp tiếp cận sức mạnh tổng hợp đã được Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAIV) ghi nhận. Cách tiếp cận này cũng đã được áp dụng trong một dự án khác của HAIV, dự án – “Giảm thu nhập và tính dễ bị tổn thương liên quan đến sức khỏe của NCT ở Việt Nam,” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Xã hội Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới quản lý Việt Nam (Dự án do WB-JSDF tài trợ). Một trong những hợp phần quan trọng và thành công của dự án do WB-JSDF tài trợ là sự hợp tác giữa các ISHC và ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và các thành viên ISHC. Phương pháp tiếp cận sức mạnh tổng hợp được áp dụng tại tất cả các địa điểm của dự án, 6 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Quảng Bình, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Hòa Bình và Đà Nẵng. Các nội dung được xây dựng để áp dụng: mời CBYT tham gia lớp tập huấn ban đầu cho CLB; tổ chức tham vấn với ngành y tế địa phương; lập kế hoạch hoạt động chung giữa Hội NCT, CLB và SYT; xây dựng chương trình hợp tác về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giữa Hội NCT và SYT, trong đó có vai trò của CLB; v.v

Tính đến nay, đã có 4 tỉnh (Hòa Bình, Khánh Hòa, Quảng Bình và Ninh Thuận) ký văn bản chính thức phối hợp triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng giữa Hội NCT tỉnh và Sở Y tế. Trong khi Hòa Bình đã có Biên bản ghi nhớ và đang xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, Khánh Hòa và Quảng Bình có kế hoạch triển khai chi tiết  thì Sở Y tế Ninh Thuận đã có công văn chỉ đạo sát sao hơn theo ngành dọc của ngành y tế. Các văn bản phối hợp đang được hai tỉnh còn lại soạn thảo. Điều này đánh dấu bước tiến triển mới trong mối quan hệ giữa Hội NCT và ngành y tế trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho NCT, đặc biệt là quản lý và phòng ngừa BKLN thông qua CLB. Đồng thời, đây là bài học kinh nghiệm để các địa phương khác noi theo.

Có thể nói, sau khi mô hình có sự phối hợp được áp dụng tại 2 tỉnh/thành, đã đạt được những hiệu quả nhất định, cho thấy phần nào sự thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa CSYT và tổ chức  cộng đồng. Một số CLB lần đầu tiên nhận được sự hỗ trợ từ CSSKBĐtrong các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và cộng đồng, đặc biệt là trong quản lý và phòng ngừa BKLN. Một số CLB đã có mối liên hệ với các TYT xã trước khi có dự án, hiện đang củng cố mối quan hệ đó tốt hơn. Để đạt được những kết quả như hiện tại, là nhờ vào sự hỗ trợ, quan tâm từ Hội NCT các cấp và ngành y tế địa phương, sự trách nhiệm của BCN CLB và sự tham gia nhiệt tình của các thành viên. Trong thời gian tới, Ban Đại diện Hội NCT tỉnh/thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự phối  hợp với Sở Y tế để tăng cường hiệu quả trong quản lý và phòng ngừa BKLN, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho NCT nói riêng, cộng đồng nói chung ở tuyến cơ sở.

Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.