Hội thảo Đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

Sáng ngày 27/10/2022, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Phòng chống Thiên tai và Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI) phối hợp tổ chức Hội thảo “Đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án VIE083 “Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam” – một hợp phần của dự án Liên minh cùng tên được tài trợ bởi USAID/BHA thông qua AmRC (Hội Chữ thập đỏ Mỹ), với sự đồng thực hiện của 5 tổ chức phi chính phủ quốc tế gồm AmRC, CRS, HAI, Plan và SC, phối hợp với các đối tác địa phương thực hiện tại các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Thừa Thiên – Huế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo có sự chủ trì của ông Phan Văn Hùng – Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Trần Bích Thủy – Giám đốc tổ chức HAI cùng với sự tham dự của  gần 40 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, các ban ngành, đoàn thể, cũng như đại diện các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Tham dự còn có các cơ quan truyền thông đưa tin, tuyên truyền về Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đồng thời thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện nội dung này tốt hơn trong thời gian tới.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, và đồng thời cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Tỉ trọng NCT từ 60 tuổi trở lên trong tổng dân số tăng nhanh từ 8,68% (7,45 triệu) năm 2009 lên 12,8% (12,6 triệu người) năm 2021[1]TCTK- Chuyên khảo: “Người cao tuổi Việt Nam: Phân tích từ Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2021” và dự báo sẽ đạt gần 17% (17,9 triệu) năm 2030[2]TCTK. Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009, 2019 và Dự báo Dân số giai đoạn 2019-2069. Năm 2038 sẽ có 20% dân số (22,29 triệu) là người cao tuổi[3]TCTK: Dự báo Dân số giai đoạn 2019-2069 – tức cứ 5 người thì có 1 người là NCT. Tuổi thọ trung bình của người VN tăng cao, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019[4]Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009 và 2019, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới (72 tuổi). Năm 2036 Việt Nam được dự báo sẽ bước vào giai đoạn dân số già và cũng năm 2036, số NCT 60+ sẽ nhiều hơn số trẻ em dưới 15 tuổi[5]Tính toán từ Dự báo Dân số giai đoạn 2019-2069, Tổng cục Thống kê. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2019 phần lớn (58,5%) NCT thuộc nhóm NCT trẻ hay còn gọi là nhóm sơ lão (dưới 70 tuổi), và tỉ lệ này vẫn chiếm gần 57% vào năm 2029.

Bà Trần Bích Thủy phát biểu trong Hội nghị

Bà Trần Bích Thủy – Giám đốc tổ chức HAI – cho biết: Thực tế trên đặt ra 2 vấn đề đối với công tác QLRRTT DVCĐ: thứ nhất, làm thế nào để phát huy vai trò và sự đóng góp của NCT – một lực lượng tại chỗ ngày càng tăng, nhất là khi phần lớn NCT đang thuộc độ tuổi trẻ,  có sức khỏe, có kinh nghiệm, kỹ năng, uy tín, tiếng nói, trách nhiệm ở cộng đồng; Thứ hai, làm thế nào để đảm bảo các nhu cầu đặc thù, giảm các yếu tố rủi ro hay tính dễ bị tổn thương của NCT liên quan đến sức khỏe, tình trạng khuyết tật, an sinh thu nhập, sắp xếp cuộc sống…khi phần lớn NCT có bệnh mạn tính, 11,7% NCT là người khuyết tật, số NCT có hoàn cảnh khó khăn còn cao và tỉ lệ NCT sống một mình hoặc sống với vợ/chồng hay gia đình khuyết thế hệ (chỉ có NCT sống với cháu dưới 15 tuổi) có xu hướng tăng cao, chiếm đến 35% NCT.

Việt Nam đã có những luật pháp, chính sách quan tâm đến vấn đề người cao tuổi trong thiên tai. Tuy nhiên, trong bối cảnh già hóa dân số nhanh, dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp, thì công tác phòng, chống thiên tai – để hiệu quả và thành công – cần phải vừa tính đến các nhu cầu đặc thù và tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi, vừa phải phát huy được các kinh nghiệm, năng lực và sự tham gia của người cao tuổi, đặc biệt ở cộng đồng, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, nội dung người cao tuổi trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng chưa được rõ nét. Người cao tuổi nước ta hiện có 12 triệu người, trong đó, có khoảng 2/3 người cao tuổi tuổi từ 60-69 tuổi còn khoẻ và có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai. Trong thực tế, người cao tuổi đã và đang có vai trò hết sức quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Việc lồng ghép nội dung người cao tuổi vào các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là rất cần thiết”- Ông Phan Văn Hùng – Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho biết.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe những bài tham luận về khái niệm, cơ sở pháp lý và sự cần thiết của việc đưa người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, các vấn đề đặt ra, và thực hành tốt đã được thực hiện  tại một số địa phương.Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận nhóm với chủ đề “Cần làm gì để đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.”. Kết quả thảo luận nhóm của các đại biểu tập trung vào một số điểm như vai trò và khả năng đóng góp của người cao tuổi trước, trong và sau thiên tai, các khoảng trống trong nhận thức, trong luật pháp chính sách cũng như việc áp dụng luật pháp chính sách, và đưa ra một số khuyến nghị để có thể thực hiện tốt hơn công tác đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Dưới đây là một số khuyến nghị nổi bật:

  • Cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về người cao tuổi, về sự cần thiết và cách đưa nội dung người cao tuổi vào phòng chống thiên tai nói chung và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng;
  • Rà soát, sửa đổi, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để đảm bảo phát huy vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi, đồng thời hỗ trợ, chăm sóc phù hợp với nhu cầu đặc thù và tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi;
  • Xây dựng, cập nhật, thu thập, phân phát và sử dụng thường xuyên cơ sở dữ liệu có phân tách theo độ tuổi, giới tính và tình trạng khuyết tật trong phòng, chống thiên tai;
  • Tăng cường điều phối, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm thúc đẩy lồng ghép nội dung hòa nhập người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, cần rà soát, củng cố và kiện toàn các bộ máy làm việc về phòng chống thiên tai (PCTT) các cấp đảm bảo có đại diện của NCT tham gia, với vai trò, nhiệm vụ phù hợp. Cụ thể, có đại diện Hội Người cao tuổi tham gia Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, Nhóm Hỗ trợ kỹ thuật các cấp, Đội xung kích phòng, chống thiên tai; có sự tham gia của NCT trong các nhóm cộng đồng PCTT, tổ/nhóm xung kích PCTT
  • Các tổ chức thực hiện hoạt động phòng chống thiên tai như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…nên mời người cao tuổi tham gia vào các hoạt động phù hợp, như tập huấn, diễn tập, tuyên truyền… chú ý đến người cao tuổi và nhu cầu đặc thù của người cao tuổi khi thực hiện hoạt động cứu trợ khẩn cấp.
  • Các tổ chức phi chính phủ cần tận dụng các mạng lưới sẵn có (nhóm Làm việc về Quản lý Thiên tai, các Diễn đàn quốc gia và địa phương về thích ứng với Biến đối khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai) để cùng vận động chính sách về đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đồng thời tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực chuyên môn cho các đối tác trong nước.

Hội thảo đã đạt được các mục tiêu cụ thể đề ra. Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: “Tổng cục Phòng chống Thiên tai (PCTT), Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo mong muốn lắng nghe, học tập những kinh nghiệm về việc huy động sự tham gia người cao tuổi trong PCTT từ các cơ quan, tổ chức; lắng nghe những tâm tư, ý kiến đóng góp và đề xuất hỗ trợ Hội người cao tuổi chủ động tham gia công tác PCTT nói chung, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng, để từ đó tham mưu, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành chính sách về việc đưa nội dung người cao tuổi vào công tác PCTT.”

References

References
1 TCTK- Chuyên khảo: “Người cao tuổi Việt Nam: Phân tích từ Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2021”
2 TCTK. Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009, 2019 và Dự báo Dân số giai đoạn 2019-2069
3 TCTK: Dự báo Dân số giai đoạn 2019-2069
4 Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009 và 2019
5 Tính toán từ Dự báo Dân số giai đoạn 2019-2069, Tổng cục Thống kê
Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.