Đổi mới phương thức làm việc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Hưởng ứng nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội, thời gian vừa qua tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI) phối hợp với Hội/Ban Đại diện Hội Người cao tuổi 6 tỉnh/thành phố Hòa Bình, Quảng Bình, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam,đã tổ chức thành công 07 cuộc họp định hướng nhằm giới thiệu Dự án VIE071 – “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam” (qua nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau). Hoạt động đã được linh hoạt tổ chức dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Tham dự các cuộc họp định hướng gồm đại diện lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên Hội/Ban đại diện Hội Người cao tuổi và tổ chức HAI. Thời gian họp tại TW Hội là nửa ngày và tại mỗi tỉnh/thành phố Dự án kéo dài từ 1-1,5 ngày với không khí thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng, cởi mở.

Các buổi họp định hướng với từng địa phương

Nội dung các buổi tập huấn xoay quanh giới thiệu về mục đích, kết quả mong đợi, mô hình của dự án, hoạt động, phương pháp triển khai, và các quy định quản lý của Dự án VIE071. Bên cạnh đó, HAI cũng giới thiệu chi tiết tới các đại biểu tham dự về các điểm cải tiến của mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTH TGN) trong giai đoạn tới, nhấn mạnh hơn đến yếu tố kết nối giữa CLB với các bên liên quan, tính bao trùm và khả năng lan tỏa của mô hình. Nhiều câu hỏi đặt ra và các phương án khác nhau đã được đưa ra thảo luận nhằm xây dựng kế hoạch triển khai Dự án hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của từng địa phương.

Họp định hướng trực tuyến với Ban Đại diện Hội NCT thành phố Đà Nẵng 27-28/5

“Hội rất phấn khởi khi Đà Nẵng được tham gia dự án VIE071, Hội sẽ cố gắng thực hiện Dự án có bài bản để các CLB triển khai đem lại hiệu quả thiết thực cho NCT”.

Trưởng Ban đại diện Hội NCT thành phố Đà Nẵng, ông Lê Văn Kiện

Phát biểu về ý nghĩa của Dự án, đại biểu các tỉnh/thành phố đều khẳng định sự cần thiết và tính kịp thời của Dự án đối với cộng đồng địa phương, bày tỏ sự phấn khởi và những mong đợi khi tham gia. Một mặt, mô hình CLB LTH TGN là một trong những mô hình chăm sóc-phát huy vai trò người cao tuổi (NCT), đồng thời hỗ trợ thích ứng với già hóa dân số tốt nhất hiện nay. Mặt khác, các tỉnh/thành phố tham gia vào Dự án đều đang bắt đầu thực hiện Quyết định 1336 QĐ/TTg ngày 31 tháng 08 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng CLB LTH TGN trên toàn quốc – do đó rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực, đặc biệt là các mô hình CLB điểm để làm nòng cốt cho việc nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động CLB trên toàn tỉnh/thành phố.

Buổi họp định hướng trực tuyến với Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Ninh Thuận (08-09/06/2021)

“Trước đây, (thực hiện kế hoạch 1533) các hoạt động đều mày mò để tự làm, chưa đi vào chiều sâu, và hiệu quả như mong đợi. Đây là tồn tại mà Ninh Thuận muốn khắc phục khi được tiếp nhận Dự án”.

Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Ninh Thuận, ông Phan Hữu Đức

Tại phần giới thiệu về mô hình CLB LTH TGN, các đại biểu 6 tỉnh Dự án được tập huấn kỹ lưỡng về triển khai 08 mảng hoạt động của CLB, cũng như cách thức tổ chức sinh hoạt hàng tháng, theo dõi giám sát và quản lý chất lượng CLB. Một nội dung khác cũng được trình bày chi tiết đó là CLB không chỉ mang lại lợi ích cho thành viên, mà còn cho cả gia đình của họ và toàn thể cộng đồng có CLB nói chung. Điều này là bởi các hoạt động của CLB rộng mở cho tất cả những ai có nhu cầu tham gia (mà vì các lý do như thời gian, sức khỏe, không thể trở thành thành viên chính thức). Bên cạnh đó, tất cả các hoạt động của CLB đều có tính nhân văn, hướng đến đóng góp cho tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương tiêu biểu như hoạt động Chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên (CLB cử người đến chia sẻ, đỡ đần, săn sóc ít nhất 2 lần/tuần cho người có nhu cầu), hoạt động Tự giúp nhau và Hỗ trợ cộng đồng (CLB thường xuyên phát hiện, giúp đỡ người khó khăn tại thôn/tổ dân phố về tiền, hiện vật, ngày công hoặc dọn dẹp đường làng ngõ xóm, trồng hoa cải tạo cảnh quan khu dân cư,…), hoạt động Chăm sóc sức khỏe (tổ chức cân nặng, đo huyết áp hàng tháng, tầm soát nguy cơ tiểu đường 6 tháng/lần, truyền thông về cách tự chăm sóc bản thân,…).

“Các hoạt động của Dự án chủ yếu thông qua mô hình CLB LTH TGN, đây là mô hình vừa chăm sóc vừa phát huy vai trò của NCT một cách toàn diện, đã được ghi nhận ở cấp quốc gia, quốc tế. Mô hình CLB LTH TGN là mô hình đã đoạt Giải nhất – Giải thường sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh”, “Hãy học chính chúng ta, chúng ta tự hào, tự tin khi đang có 1 mô hình được quốc tế ghi nhận và học hỏi”.

Giám đốc quốc gia Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam, bà Trần Bích Thủy

Đại biểu các tỉnh/thành phố đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm về việc lựa chọn thành viên Ban chủ nhiệm (BCN) và thành viên CLB. Với bộ máy lãnh đạo của CLB, cần chọn được những người nhiệt tình, mong muốn giúp đỡ người khác, có năng lực dẫn dắt và quan trọng là có khả năng xây dựng tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể. Với thành viên CLB, cần đảm bảo không có bất cứ phân biệt hay rào cản nào trong việc thu hút người tham gia, đặc biệt cần ưu tiên nhóm đối tượng khó khăn hơn. Cụ thể, cần tìm địa điểm sinh hoạt an toàn, thuận tiện đi lại cho thành viên, kể cả những người có khó khăn trong di chuyển, nơi sinh hoạt cần thoáng mát, có hệ thống âm thanh, ánh sáng đầy đủ. Thông tin về việc thành lập CLB cần được phổ biến rộng rãi qua nhiều kênh như họp dân, áp phích, loa thôn,…đảm bảo tất cả người dân tại cộng đồng đều nắm được và có cơ hội đăng ký tham gia. CLB sẽ có đa dạng các thành phần nam nữ, cao tuổi, trẻ tuổi, người khó khăn và người có điều kiện để tăng tính kết nối, thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau giữa các thế hệ, các hoàn cảnh.

“Về thành viên CLB, bên cạnh những người khó khăn, cần mời những người làm ăn giỏi, có kỹ năng, có điều kiện vào CLB để làm điểm tựa vững vàng giúp các thành viên khác và toàn CLB đi lên”.

Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Xuân Hạnh

Các nội dụng về yêu cầu quản lý và các chính sách về môi trường-xã hội của Dự án hầu hết đều mới mẻ nhưng đã được Hội/Ban đại diện các tỉnh/thành phố nắm bắt nhanh và quyết tâm cao thực hiện. Qua lấy ý kiến, các chính sách Bảo vệ và cam kết môi trường-xã hội của Dự án thậm chí được hoàn thiện hơn nữa để áp dụng có hiệu quả trong thực tế. Tiêu biểu như Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Ninh Thuận góp ý bổ sung kênh thông tin để tiếp nhận phản hồi, khiếu nại, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Quảng Bình làm rõ hơn vai trò của Ủy ban nhân dân các cấp trong giám sát, thực hiện Dự án. Tất cả các sáng kiến đã được Ban quản lý Dự án tại tổ chức HAI tiếp thu và tiếp tục chỉnh sửa vào các hướng dẫn thực hiện Dự án.

Họp định hướng trực tuyến với Hội NCT tỉnh Thanh Hóa ngày 25-26/05/2021

“Chúng tôi rất tán thành những chính sách này. Qua lắng nghe các ý kiến của cộng đồng, chúng ta sẽ kịp thời chỉnh sửa những điểm chưa tốt và phát huy những điểm tốt. Cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, và có kế hoạch để lường trước, phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình triển khai Dự án”.

Phó chủ tịch Hội NCT tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Minh

Họp định hướng tại Hòa Bình ngày 28/04/2021

Cuối mỗi buổi họp định hướng, Hội/Ban đại diện Hội NCT và tổ chức HAI cùng xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết cho giai đoạn tới, đặc mục tiêu hoàn thành tốt các chỉ số của Dự án với các phương pháp sáng tạo, linh hoạt để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Buổi tập huấn kết thúc trong sự đồng thuận cao, Hội NCT tại 6 tỉnh/thành phố đánh giá cao hiệu quả của cuộc họp định hướng, giúp làm rõ hơn về nội dung Dự án cũng như phương hướng triển khai. Hội/Ban đại diện Hội NCT các tỉnh/thành phố cũng xác định việc thành lập và nhân rộng mô hình CLB LTH TGN là trách nhiệm của địa phương, vì vậy khi có sự hỗ trợ bổ sung từ Dự án, cần tận dụng thời gian Dự án diễn ra để xây dựng được các CLB chuẩn, nâng cao năng lực quản lý CLB cho cán bộ Hội NCT các cấp. Hội/Ban đại diện Hội NCT bày tỏ tinh thần quyết tâm, sẵn sàng đóng góp thêm các nguồn lực của địa phương và tự tin triển khai Dự án một cách hiệu quả để đem lại những lợi ích thiết thực cho NCT, người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

“Thông qua cuộc họp định hướng này, Hội đã hiểu rõ hơn về Dự án, các hoạt động cần triển khai, các chỉ số yêu cầu của Dự án từ đó Hội có thể lập kế hoạch cụ thể để triển khai một cách hiệu quả. Hội xác định việc thực hiện Dự án không chỉ là của những cán bộ/chuyên gia trực tiếp tham gia Dự án, mà là trách nhiệm của toàn tập thể Hội NCT tỉnh và rộng hơn nữa là Hội NCT tất cả các cấp tại tỉnh Hòa Bình”.

Chủ tịch Hội NCT tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Ỉnh

Phối hợp triển khai với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam

Họp định hướng tại Trung ương Hội NCT Việt Nam ngày 29/6/2021

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng mô hình CLB LTH TGN trên toàn quốc, trong nhiều năm qua, tổ chức HAI đã phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam (TW Hội NCT) kêu gọi tài trợ từ nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Đặc biệt, cuối năm 2020, với sự ủng hộ từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, cùng chính quyền địa phương các cấp, HAI đã phối hợp với Hội vận động thành công tài trợ từ Quỹ phát triển Xã hội Nhật Bản (JSDF), thuộc Chính phủ Nhật Bản, thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), để thực hiện Dự án VIE071 “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về Thu nhập và Sức khỏe của Người cao tuổi Việt Nam”. Tại cuộc Họp giữa hai bên giới thiệu về Dự án VIE071, Phó Chủ tịch Thường trực TW Hội NCT ông Ngô Trọng Vịnh cho biết, Dự án VIE071 có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thành công Quyết định 1336/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ hỗ trợ trong việc nhân rộng mà còn giúp nâng cao chất lượng CLB. Trong bối cảnh Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, và vẫn đang ở mức thu nhập trung bình thấp, những mô hình phát triển dựa vào cộng đồng như CLB LTH TGN càng có vai trò đặc biệt. Trong thời gian đợi Ủy ban Nhân dân các tỉnh/TP Dư án phê duyệt thực hiện Dự án, cuối tháng 6/2021, HAI và TW Hội đã tổ chức một buổi làm việc về cơ chế phối hợp thực hiện Dự án, xác định vai trò, trách nhiệm của mỗi bên. Hai tổ chức xác định sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm hướng tới mục tiêu chung là lan tỏa mô hình CLB chuẩn trên toàn quốc, qua đó hỗ trợ chăm sóc và phát huy vai trò, nâng cao tiếng nói, sự tham gia của NCT trong mọi mặt của đời sống.

Đổi mới phương thức hoạt động để thích ứng với tình hình mới

Việc tổ chức họp trực tuyến là điểm mới đối với Hội/Ban đại diện Hội NCT. Công tác chuẩn bị gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn về trang thiết bị và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Tuy vậy, Hội/Ban đại diện Hội NCT đã xác định cần khắc phục khó khăn, nỗ lực thử nghiệm cách thức hoạt động mới, quyết tâm không để các hoạt động của Dự án bị gián đoạn. Bằng nhiều cách như kết nối mượn máy tính từ các đơn vị khác, tham gia tập huấn, tập dượt nhiều lần cách sử dụng phần mềm họp trực tuyến, đến nay toàn bộ Hội/Ban đại diện Hội NCT tại 6 tỉnh/thành phố đều đã thành thạo kỹ năng mới và có thể kết nối từ xa bất cứ khi nào cần thiết. Điều này không chỉ có lợi trong triển khai Dự án VIE071 nói riêng, mà sẽ có tác động tích cực và lâu dài đảm bảo hoạt động của Hội NCT các cấp luôn được tiếp tục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Hội/Ban đại diện Hội NCT cũng hòa mình vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Họp định hướng trực tuyến với Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Quảng Bình 15-16/6

“Cách họp/tập huấn của văn phòng HAI rất sáng tạo, nhiệt tình, rõ ràng. Trong bối cảnh dịch như vậy nhưng vẫn triển khai được hoạt động của Dự án. Như vậy cả HAI và Hội đã và đang thực hiện được nhiệm vụ kép vừa hoàn thành mục tiêu Dự án vừa phòng chống dịch COVID-19. Sau buổi họp định hướng này, Hội cũng nhận thức rõ hơn cần huy động sự tham gia của các bên liên quan như thế nào để thực hiện Dự án hiệu quả”.

Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Quảng Bình, ông Đinh Minh Thử


Dự án VIE071 – “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam” được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản (JSDF), thuộc Chính phủ Nhật Bản, thông qua Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB). Dự án do tổ chức HelpAge International tại Việt Nam hợp tác với Trung ương Hội Người cao tuổi và Hội/Ban đại diện Hội Người cao tuổi các tỉnh/thành phố Hòa Bình, Quảng Bình, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Thanh Hóathực hiện. Mục tiêu của Dự án là nhằm nâng cao chất lượng sống, sức khỏe và thu nhập cho 27.000 người, phần lớn là người cao tuổi, người khó khăn thông qua việc thành lập 180 Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau.

Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.