Tọa đàm chính sách “Tiến tới bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam”

Hà Nội, ngày 6 tháng 9 năm 2019 – Xu hướng già hóa dân số toàn cầu và tác động của già hóa dân số tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, công bố báo cáo nghiên cứu “Góc nhìn Việt Nam: Quyền y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân cho người cao tuổi”, thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dưới góc độ cộng đồng và góc độ chính sách và định hướng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tầm nhìn 2030 là những nội dung chính được trình bày và thảo luận sáng nay trong buổi Tọa đàm chính sách “Tiến tới bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam” được tổ chức tại Hội trường Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình. Đây là một hoạt động được tổ chức dưới sự phối hợp giữa tổ chức HelpAge International tại Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình.

Tính đến tháng 8/2018, cả nước có 11.313.200 người cao tuổi, chiếm 11,95% dân số. Theo xu hướng già hóa dân số toàn cầu, dự kiến tới năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam và nhiều quốc gia khác Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Chi lê, Thái Lan… sẽ vượt quá 30%. Vì vậy, để đạt được mục tiêu “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” của Tổ chức Y tế Thế Giới, cũng như mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau” của Liên Hợp Quốc, việc đảm bảo quyền sức khỏe và tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân cho người cao tuổi là vô cùng thiết yếu.

Báo cáo “Góc nhìn Việt Nam: Quyền y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân cho người cao tuổi” do HelpAge International thực hiện dựa trên báo cáo kỹ thuật của PGS. Hoàng Văn Minh, Trường Đại học Y tế công cộng và PGS. Kim Bảo Giang, trường Đại học Y Hà Nội, cho thấy sự chênh lệch về độ bao phủ bảo hiểm y tế giữa các nhóm người cao tuổi có trình độ học vấn và thu nhập khác nhau. Mặc dù tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong nhóm người cao tuổi đã tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam, từ 54% trong năm 2006 lên tới 96% vào năm 2018 trong nhóm người từ 60 tuổi trở lên, độ bao phủ bảo hiểm y tế ở nhóm người cao tuổi có trình độ đại học trở lên (94%) và sống trong gia đình có thu nhập cao (80%) cao hơn rõ rệt so với nhóm người cao tuổi chỉ có trình độ tiểu học (66%) và nhóm có thu nhập thấp thứ 2 (65%).

Báo cáo này cũng chỉ ra rằng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan đến các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi còn thấp với chỉ 68% số người đang có bệnh không lây nhiễm trong độ tuổi từ 50 đến 69 tham gia khảo sát cho biết họ không được điều trị tại bất kỳ cơ sở y tế nào. Báo cáo cũng cho thấy nhiều nghiên cứu về hệ thống y tế Việt Nam chỉ ra rằng không có dịch vụ điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở, và các bệnh viện huyện không có phòng chuyên khoa phụ trách bệnh không lây nhiễm. Đây là một trong số các nguyên nhân khiến cho người cao tuổi Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc bệnh không lây nhiễm.

Ngoài các số liệu nghiên cứu, tham luận được trình bày bởi Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình cũng chỉ ra những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh của người cao tuổi Việt Nam chỉ đạt khoảng 64 tuổi. Người cao tuổi Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép với trung bình mỗi người cao tuổi đều mắc từ 3-4 bệnh với tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm tăng lên nhanh chóng, trong khi đó hệ thống chăm sóc sức khỏe còn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của người cao tuổi. Khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế, thiếu nhân lực được đào tạo chuyên ngành lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến người cao tuổi còn thiếu, không có số liệu quốc gia về người cao tuổi. Thêm vào đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi. Đồng thời khả năng tiếp cận các dịch vụ CSSK của người cao tuổi còn hạn chế, đặc biệt là người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Các số liệu được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu “Góc nhìn Việt Nam: Quyền y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân cho người cao tuổi” cũng như kết quả thảo luận của buổi Tọa đàm hôm nay đã tạo cơ sở cho các sáng kiến và khuyến nghị nhằm đảm bảo quyền sức khỏe và thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn dân cho tất cả người cao tuổi tại Việt Nam. Tại hội thảo, đại diện người cao tuổi tại cộng đồng cũng có những đóng góp tiếng nói về những nhu cầu thực tế của người cao tuổi tại cộng đồng, trong đó nhu cầu được tư vấn và hướng dẫn tự nâng cao sức khỏe, cũng như các mô hình nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi tại địa phương như các mô hình câu lạc bộ được nhấn mạnh.

“Người cao tuổi đang cần cái thứ 1 là cái tư vấn sức khỏe. Vì người cao tuổi là nếu có bệnh là sẽ diên tiến rất nhanh, chỉ vài tiếng là có thể qua đời rồi, nhưng nếu chúng tôi được hướng dẫn cách xử lý thì cũng sẽ tự xử lý được trong những tình huống đó, vì cái thời gian của người cao tuổi nó rất là ngắn. Tôi thấy tất cả những cái gì mà làm cho người ta khỏe mạnh không phải đi bệnh viện là tốt nhất, vì cái này nó không chỉ có lợi cho người cao tuổi mà cả người ít tuổi cũng tự năng cao được sức khỏe của mình.”

Bà Nguyễn Thị Điểm – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau Thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội.

Chúng tôi rất ngại trong việc tiếp cận y tế vì khoảng cách nó xa xôi, nhưng chính phủ bh cũng đã có cái miễn giảm xe buýt cho NCT, như vậy tôi cũng thấy rất thiết thực. Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng tuyến y tế Trung ương sẽ chấp nhận các kết quả khám tại tuyến y tế cơ sở cấp quận, huyện, xã, phường, như vậy sẽ tiết kiệm được công sức, chi phí đi lại cũng như giảm quá tải bệnh viện.

Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bên cạnh đó, về mặt chính sách, chúng ta cần hoàn thiện các chính sách về giải pháp, dịch vụ chăm sóc dài hạn và hướng tới chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Đẩy mạnh sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, ban ngành trong và ngoài nước trong công tác chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra cần lồng ghép vấn đề người cao tuổi vào các chính sách y tế và tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia theo dõi, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện các chính sách này. Đối với người cao tuổi, báo bao khuyến nghị cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về quyền sức khỏe cũng như các kiến thức phòng chống và tự quản lý bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, việc xây dựng các chương trình giáo dục về chăm sóc lão khoa cho nhân viên y tế, cũng như cải thiện hệ thống thông tin y tế nhằm thu thập đầy đủ các dữ liệu về người cao tuổi cũng được các bên liên quan đưa ra trong tọa đàm.

Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.