Nhân kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, chủ đề của Ngày Quốc tế Người cao tuổi (UNIDOP) năm 2023 được chọn là “Thực hiện lời hứa trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền đối với người cao tuổi: Xuyên suốt các thế hệ”
Cách đây 75 năm, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, một văn kiện có tầm quan trọng lớn trong lịch sử đấu tranh vì quyền con người. Được viết bởi đại diện từ khắp nơi trên thế giới với những nền tảng pháp lý, văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, bản Tuyên ngôn này là tài liệu đầu tiên nêu rõ những quyền cơ bản của con người cần được bảo vệ trên toàn cầu. Để ghi nhận cột mốc quan trọng này và hướng tới một tương lai có thể đảm bảo rằng tất cả mọi người, bao gồm cả người cao tuổi, đều có thể được hưởng đầy đủ sự tự do và các quyền con người cơ bản, lần kỷ niệm thứ 33 của Ngày Quốc tế Người cao tuổi sẽ tập trung vào chủ đề “Thực hiện lời hứa trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền đối với Người cao tuổi: Xuyên suốt các thế hệ.” Sự kiện này sẽ làm nổi bật lên tính đặc thù của người cao tuổi khắp nơi trên thế giới, kêu gọi việc đảm bảo quyền và lợi ích của họ cũng như giải quyết các vi phạm, đồng thời cho thấy rằng sự đoàn kết thông qua tính công bằng và lòng tương trợ lẫn nhau giữa các thế hệ có thể là giải pháp đột phá để thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Kết quả từ đợt Rà soát và Đánh giá lần thứ tư về Kế hoạch Hành động Quốc tế Madrid về Người cao tuổi (MIPAA) cho thấy sự phân biệt đối xử một cách có hệ thống dựa trên tuổi tác, cả trong thái độ lẫn hành vi, đều vẫn có dấu hiệu lan rộng, thể hiện sự thiếu hiệu quả trong việc triển khai các khuôn khổ quốc tế và quốc gia về người cao tuổi. Các rào cản mang tính hệ thống thường tồn tại đối với người cao tuổi trong các bối cảnh việc làm, mức sống, cơ hội học tập, khả năng tiếp cận dịch vụ và nguồn lực. Điều này diễn ra bởi các thái độ, điều luật và chính sách mang tính chất phân biệt tuổi tác, sự thiếu đầu tư, thiếu cơ hội tiếp cận hoặc chi phí quá cao, cùng nhiều lý do khác.
Điều này có thể gây nên sự gia tăng trong tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi trước sự bỏ bê, lạm dụng, và các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Hiện đã và đang có một số biện pháp can thiệp được thiết kế để ngăn chặn và giảm thiểu những mối đe dọa này đối với người cao tuổi, và mặc dù chúng hữu ích, nhưng những biện pháp này cũng không nhất thiết được thực hiện dựa trên cách tiếp cận mạch lạc và toàn diện dựa trên quyền con người của người cao tuổi. Dựa trên kết quả từ đợt Rà soát và Đánh giá lần thứ tư của MIPAA, có thể rút ra kết luận rằng khi thiếu đi những quy tắc và tiêu chuẩn về nhân quyền thì việc giải quyết những hình thái phức tạp và luôn biến thiên của sự phân biệt đối xử và những hình thức khác nhau của sự bất bình đẳng trở nên vô cùng khó khăn.
Các thành tựu của cộng đồng quốc tế xoay quanh sự đoàn kết giữa các thế hệ qua các diễn đàn khác nhau, hết lần này tới lần khác, đã chứng minh rằng các giải pháp liên thế hệ, được dẫn lối bởi các nguyên tắc nhân quyền về sự tham gia, trách nhiệm giải trình, không phân biệt đối xử và bình đẳng, sự trao quyền và tính hợp pháp, có thể góp phần khơi dậy các hoạt động tích cực liên quan tới Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền thông qua việc tiếp sức cho cả người trẻ và người cao tuổi để dịch chuyển ý chí chính trị hướng tới việc thực hiện những lời hứa trong Tuyên ngôn xuyên suốt qua các thế hệ.