Vấn đề bảo vệ người cao tuổi là một điểm gần đây bắt đầu thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền Việt Nam. Điều đó được thể hiện cụ thể trong những sửa đổi trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Nhân dịp Ngày Thế giới Nâng cao Nhận thức về Ngược đãi Người cao tuổi (15/06), hãy cùng HelpAge International tại Việt Nam tìm hiểu về những điểm mới có liên quan tới người cao tuổi trong bộ luật này.
Bổ sung hành vi bạo lực gia đình
So với Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, bộ luật sửa đổi năm 2022 đã bổ sung và làm rõ một số hành vi bạo lực gia đình, trong số đó có nhiều hành vi mà người cao tuổi thường phải chịu như:
- Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý (hành vi mới bổ sung);
- Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em (hành vi mới bổ sung);
- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình (hành vi mới bổ sung);
- Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý (hành vi mới bổ sung);
- Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm (hành vi mới bổ sung);
- Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực (hành vi mới bổ sung);
- Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác (sửa đổi câu chữ, bổ sung việc “tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác”, so với “lệ thuộc về tài chính” trong bộ luật năm 2007);
- Cô lập, giam cầm thành viên gia đình (hành vi mới bổ sung);
Như vậy có thể thấy rằng các nhà làm luật đã có nhận thức mới rất tiến bộ về các hành vi ngược đãi. Không chỉ dừng lại ở các loại hình bạo lực thể xác hay lăng mạ bằng lời thuần túy, mà các nhà làm luật còn đưa vào những định nghĩa chi tiết hơn về hành vi bạo lực về mặt tinh thần, lạm dụng về vật chất, hoặc bỏ mặc không chăm sóc, vốn là những loại hình ngược đãi thường gặp nhất đối với người cao tuổi.
Mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài quan hệ hôn nhân
Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, hành vi bạo lực gia đình cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
Còn theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, hành vi bạo lực gia đình được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 đã mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài quan hệ hôn nhân, trong số đó bao gồm nhiều đối tượng là người cao tuổi.
Bổ sung nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình
Điều 19 trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 đã bổ sung thêm một số nơi có chức năng tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình, trong số đó có người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình và Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình.
Như vậy có thể thấy rằng Việt Nam đã hướng đến việc xây dựng một đường dây nóng chuyên tiếp nhận và xử lý các vấn đề liên quan tới bạo lực gia đình, mà cụ thể theo Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình (công bố ngày 23/02/2023), thì dự kiến đường dây nóng này sẽ dùng chung số 111 với tổng đài bảo vệ trẻ em hiện có. Cũng theo Dự thảo này, Tổng đài điện thoại quốc gia phòng chống bạo lực gia đình hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.
Hiện nay có một thực trạng là người cao tuổi khi bị ngược đãi hoặc người ngoài khi chứng kiến người cao tuổi bị ngược đãi không biết phải báo với ai. Việc thành lập nên Tổng đài điện thoại quốc gia phòng chống bạo lực gia đình sẽ giải quyết triệt để vấn đề này, góp phần quan trọng trong việc xử lý các vụ việc lạm dụng, ngược đãi người cao tuổi.
Bổ sung biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
So với bộ luật năm 2007, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 đã bổ sung nhiều biện pháp ngăn chặn hành vi cũng như hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình, trong số đó có:
- Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình (biện pháp mới bổ sung);
- Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (biện pháp mới bổ sung);
- Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình (sửa đổi câu chữ, trong luật năm 2007 là “Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình”);
- Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình (biện pháp mới bổ sung);
- Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình (biện pháp mới bổ sung);
- Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư (biện pháp mới bổ sung);
- Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng (biện pháp mới bổ sung);
Có thể thấy rằng trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 đã có nhiều biện pháp mới rất thiết thực nhằm ngăn chặn hành vi và hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình. Không chỉ dừng lại với những cách giải quyết mang tính pháp lý và trừng trị, một số biện pháp đưa ra tại đây còn hướng tới việc giáo dục nâng cao nhận thức, giảm thiểu khả năng tái diễn tình trạng bạo lực gia đình. Đây là một cách tiếp cận mới mẻ, tiến bộ và có tính bền vững cao.
Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 đã có những cải tiến đáng kể so với phiên bản của năm 2007. Hy vọng rằng khi đi vào hiệu lực ngày 01/07/2023 tới đây, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 sẽ góp phần thiết thực vào công tác bảo vệ người cao tuổi, đảm bảo cuộc sống an toàn và có phẩm giá đối với mọi người cao tuổi Việt Nam. Đây là điều được đánh giá cao khi Việt Nam đang già hóa rất nhanh, với tỉ trọng và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng trong dân số.