Bản sắc của phụ nữ cao tuổi thường bị bóp méo bởi những quan niệm sai lầm. Những định kiến xã hội tiêu cực cùng với quá trình già đi đã làm cho sự hiện diện và đóng góp của họ trở nên vô hình và không được coi trọng.
Chủ đề của ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2022 – “Tính kiên cường và sự đóng góp của phụ nữ cao tuổi” hướng đến làm nổi bật tiếng nói, khả năng phục hồi và sự đóng góp của phụ nữ cao tuổi trong xã hội, để từ đó tạo ra các chính sách có ý nghĩa nhằm tăng cường thích ứng và giải quyết những thách thức toàn cầu.
Cùng với tiến trình phát triển của xã hội, đã có nhiều nỗ lực để làm thay đổi sự hiện diện của phụ nữ, và thực tế đã cho thấy, ngày càng nhiều phụ nữ thành công xuất hiện trong mọi lĩnh vực kinh tế – chính trị – xã hội, trở thành nguồn cảm hứng và động lực để mọi người noi theo. Tuy nhiên, một lượng lớn phụ nữ vẫn đang phải chịu những thiệt thòi và khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, bị bỏ rơi lại phía sau, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi do những bất công cả về giới tính và tuổi tác đem lại. Tình hình này càng trở nên trầm trọng hơn khi ngày càng có nhiều quốc gia có tốc độ già hóa nhanh và xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi ngày một rõ rệt, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Trên toàn cầu, phụ nữ chiếm đa số trong dân số cao tuổi. Hiện nay trên thế giới, cứ 100 phụ nữ từ 60 tuổi trở lên thì chỉ có 84 nam giới. Cứ 100 phụ nữ từ 80 tuổi trở lên thì chỉ có 61 nam giới.[1]UNFPA & HelpAge International, Báo cáo tóm tắt – Già hóa trong thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức, 2021. Ở Việt Nam, theo Thống kê về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, có tới 58% NCT là nữ.
Trong suốt cuộc đời, phụ nữ có nhiều khả năng phải trải qua: nghèo; bị bạo lực; có tỷ lệ mù chữ cao hơn; bị khuyết tật; và thiếu khả năng tiếp cận với chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe đầy đủ.[2]Flavia Bustreo, Isabelle de Zoysab & Islene Araujo de Carvalhoa. Policy directions to improve women’s health beyond reproduction. Bulletin of the World Health Organization. 2013 July; … Continue reading Vị thế kinh tế – xã hội của phụ nữ cao tuổi một phần bắt nguồn từ sự phân công lao động theo giới cho rằng phụ nữ tham gia chủ yếu vào lao động tái sản xuất, công việc gia đình không được trả công, công việc chăm sóc và các mối quan hệ bất bình đẳng trong gia đình. Những hoạt động như vậy thường hạn chế cơ hội việc làm, sự chủ động, trình độ học vấn và phát triển kỹ năng của phụ nữ.[3]Robyn Stone, “The Feminization of Poverty Among the Elderly”, in Women’s Studies Quarterly, Nos. 1-2 (1989), pp. 20-34. Khi họ tham gia vào các công việc chính thức được trả lương, họ thường phải đối mặt với các hành vi và thái độ phân biệt đối xử mà có thể ảnh hưởng đến những vấn đề về đảm bảo kinh tế trong cuộc sống sau này chẳng hạn như trả lương không công bằng cho khối lượng công việc như nhau hoặc tuổi nghỉ hưu chênh lệch hơn so với nam giới.[4]Crockett C, McCleary-Sills J, Cooper B, Brown B. Violence against Older Women. Violence against Women & Girls Resource Guide. The World Bank. May 2016. Sự chênh lệch này sẽ gia tăng khi tuổi ngày càng cao. Bên cạnh đó, phần lớn phụ nữ cao tuổi không có/thiếu đảm bảo thu nhập. Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ cao tuổi có việc làm chiếm 35,7%, thấp hơn hẳn so với nam giới (52,7%). Chỉ 15,9% phụ nữ cao tuổi có lương hưu, 29,2% có trợ cấp xã hội và 23,3% có khoản tiết kiệm.[5]Báo cáo Khảo sát khả năng đáp ứng của Chính sách Bảo hiểm y tế với vấn đề già hóa ở Việt Nam của Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS), 2021.
Ngoài ra, phụ nữ nói chung thường sống lâu hơn so với nam giới, song đây chưa hẳn đã là một điều hoàn toàn may mắn. Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh mãn tính và khả năng bị tàn tật trong cuộc sống sau này cao hơn so với nam giới. Do vậy, mặc dù nhiều phụ nữ có thể tận hưởng nhiều năm tuổi thọ hơn, nhưng họ lại mắc bệnh mãn tính và thường không có đủ khả năng tiếp cận các nguồn lực hay được chăm sóc chu đáo, dẫn đến thực tế nhiều phụ nữ cao tuổi sống trong tình trạng sức khỏe kém, bị cô lập và cô đơn. Nghèo đói ở NCT cũng có liên quan đến khả năng phụ nữ sống một mình cao hơn nam giới, do đó làm trầm trọng thêm nguy cơ bị bóc lột, bạo lực và lạm dụng, cũng như tăng nguy cơ trầm cảm và các thách thức sức khỏe tâm thần khác có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe thể chất.[6]Báo cáo Khảo sát khả năng đáp ứng của Chính sách Bảo hiểm y tế với vấn đề già hóa ở Việt Nam của Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS), 2021.[7]World Health Organization. (2016). Mental Health & Older Adults: Fact Sheet.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều bất công, định kiến, phụ nữ cao tuổi vẫn đóng góp không nhỏ cho sự phát triển và phồn vinh của xã hội. Trong khu vực kinh tế chính thức, họ đại diện cho khoảng 25% lực lượng lao động lớn tuổi đang hoạt động kinh tế trên toàn cầu.[8]United Nations, Bulletin on Ageing, No. 2-3, 1995, p.3. Mặt khác, khu vực kinh tế phi chính thức hấp thụ một lượng lớn phụ nữ cao tuổi. Điều này thể hiện rõ nhất ở các quốc gia đang phát triển. Nhiều phụ nữ cao tuổi làm việc trong các trang trại gia đình hoặc tham gia vào các doanh nghiệp nông nghiệp của hàng xóm hoặc họ hàng. Họ cũng đóng góp vào các dự án kinh doanh ở nông thôn, hoặc tham gia công việc khác bên cạnh việc chăm sóc gia đình. Công việc của phụ nữ cao tuổi trong cả lĩnh vực nông nghiệp và gia đình ngày càng tăng, đặc biệt là đối với các gia đình có thành viên trẻ di cư ra thành thị.[9]S. Rix, op. cit., p. 22. Phụ nữ cao tuổi ở nhiều nơi trên thế giới làm những công việc không được trả lương. Họ bao gồm những người gây quỹ, cố vấn, bạn tâm giao, tình nguyện viên, ông bà, … Đối với một số phụ nữ cao tuổi, tiền lương có thể tạo ra sự khác biệt đủ để thoát nghèo hoặc cận nghèo.[10]Ruth Jacobs, “Expanding Social Roles for Older Women”, in J. Allen and A. J. Pifer (eds.), Women on the Front Lines, op. cit. Vì vậy, sự đóng góp của họ cần cả sự công nhận và thù lao xứng đáng.
Mặc dù những đóng góp của phụ nữ cao tuổi rất đáng kể nhưng sự hiện diện của họ vẫn còn mờ nhạt đối với nhiều nhà hoạch định chính sách. Việc xem xét kĩ lưỡng và nhìn nhận những điểm mạnh cùng tiềm năng của phụ nữ cao tuổi, coi họ như “nguồn tài sản phát triển” của quốc gia sẽ tạo nên bước ngoặt có ý nghĩa nhằm giải quyết những định kiến phổ biến về phân biệt tuổi tác và giới tính rằng phụ nữ cao tuổi là những đối tượng mong manh và là gánh nặng của xã hội. Đồng thời, sẽ làm nổi bật những giá trị cao đẹp của người phụ nữ và góp phần vào sự phát triển của xã hội. Để làm điều này, các Chính phủ, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, tổ chức nghiên cứu cần phải:
- Thúc đẩy các nghiên cứu liên quan đến phụ nữ cao tuổi và mối liên hệ giữa già hóa và giới;
- Bổ sung, phân tách dữ liệu theo giới tính, tuổi tác và tình trạng khuyết tật;
- Đưa phụ nữ cao tuổi vào các nội dung chính sách về phát triển và bình đẳng giới;
- Thúc đẩy bảo trợ xã hội, bao gồm cả phổ cập lương hưu xã hội;
- Tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ lớn tuổi không bị phân biệt đối xử và đảm bảo các quyền lợi đầy đủ;
- Cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp và có chi phí phải chăng dành cho phụ nữ cao tuổi;
- Hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các cơ hội giáo dục để chia sẻ kinh nghiệm cá nhân đã tích lũy được;
- Khuyến khích phụ nữ cao tuổi thành lập các nhóm và mạng lưới hỗ trợ của riêng họ;
- Tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ cao tuổi tập trung vào sự phát triển cá nhân của họ, bao gồm sự nghiệp mới, tham gia vào đời sống công đồng và chính trị;
- đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục thay đổi những quan niệm sai lầm về NCT, bình đẳng giới, chống các hiện tượng kỳ thị, coi thường, bạo lực, thiếu tôn trọng NCT và phụ nữ, đặc biệt chú trọng đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn;
- Thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ xã hội ở cấp địa phương để phụ nữ giao lưu với nhau và nếu có thể, tạo điều kiện thông qua đào tạo và truy cập miễn phí vào không gian mạng mà phụ nữ cao tuổi sử dụng phương tiện điện tử để tìm ra những cách thức mới tham gia xã hội và thế giới nói chung.
Với cam kết “không bỏ lại ai phía sau” của Chương trình nghị sự 2030, Liên Hợp quốc kêu gọi thực hiện bình đẳng giới theo Mục tiêu số 5 của Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) – Chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi. Đây được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để đạt được thành công của toàn bộ Chương trình nghị sự 2030. Do đó, việc nhận ra tác động kép của phân biệt tuổi tác và giới tính đối với phụ nữ lớn tuổi để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp vô cùng quan trọng.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực bình đẳng giới và phát huy vai trò của người phụ nữ. Ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TW về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phụ nữ để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới. Những luật như Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Hôn nhân và Gia đình (2014) cho thấy những khía cạnh đầy đủ hơn, cụ thể hóa hơn về bảo vệ phụ nữ và bình đẳng giới. Bên cạnh đó, Việt Nam xây dựng và sửa đổi các luật khác như Luật Phòng, chống mua bán người (2012), Bộ Luật Lao động (2012), Luật Việc làm (2013) có nhiều điều khoản trực tiếp quy định quyền lợi của lao động nữ. Ví dụ, Luật Bình đẳng giới có mục tiêu nhằm “xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.
Ngoài ra, Việt Nam còn có một mô hình cộng đồng khác hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT thông qua tăng cường sự tham gia của NCT trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao thu nhập và hỗ trợ cộng đồng – đó là Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTH TGN). Từ một mô hình thí điểm do Tổ chức HelpAge International (HAI) hỗ trợ, mô hình đã trở thành mô hình quốc gia, có chỉ tiêu nhân rộng trong Chương trình Hành động Quốc gia về NCT và Chính phủ đã có hai Đề án nhân rộng theo Quyết định 533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 và Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Câu lạc bộ đã được Hội NCT các cấp nhân rộng, tính đến tháng 06/2022, đã có 4700 CLB được thành lập trên 62/63 tỉnh/thành khắp cả nước. Với 8 mảng hoạt động đa dạng, CLB đã giúp các thành viên là NCT không chỉ cải thiện thu nhập, phát huy vai trò, sự tham gia mà còn giúp họ nâng cao sức khoẻ, có thêm nhiều niềm vui, giảm bớt sự cô đơn, … thông qua các hoạt động ý nghĩa của CLB. Đặc biệt, CLB tích cực đưa sự tham gia và phát huy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động của CLB cũng như ngoài cộng đồng. Cụ thể, CLB có nhiều thành viên hơn đối với nhóm có hoàn cảnh khó khăn như phụ nữ, thành viên cộng đồng khuyết tật (70%) để họ có nhiều cơ hội được hưởng lợi hơn từ CLB. CLB luôn lắng nghe các thành viên của mình (1 buổi thảo luận hàng tháng) để điều chỉnh hoạt động nếu cần. Có nhiều hoạt động khác nhau phù hợp với sở thích của cả nam và nữ cũng như hoạt động có sự tham gia của cả hai bên…
References[+]
↑1 | UNFPA & HelpAge International, Báo cáo tóm tắt – Già hóa trong thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức, 2021. |
---|---|
↑2 | Flavia Bustreo, Isabelle de Zoysab & Islene Araujo de Carvalhoa. Policy directions to improve women’s health beyond reproduction. Bulletin of the World Health Organization. 2013 July; 91:712-714. |
↑3 | Robyn Stone, “The Feminization of Poverty Among the Elderly”, in Women’s Studies Quarterly, Nos. 1-2 (1989), pp. 20-34. |
↑4 | Crockett C, McCleary-Sills J, Cooper B, Brown B. Violence against Older Women. Violence against Women & Girls Resource Guide. The World Bank. May 2016. |
↑5, ↑6 | Báo cáo Khảo sát khả năng đáp ứng của Chính sách Bảo hiểm y tế với vấn đề già hóa ở Việt Nam của Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS), 2021. |
↑7 | World Health Organization. (2016). Mental Health & Older Adults: Fact Sheet. |
↑8 | United Nations, Bulletin on Ageing, No. 2-3, 1995, p.3. |
↑9 | S. Rix, op. cit., p. 22. |
↑10 | Ruth Jacobs, “Expanding Social Roles for Older Women”, in J. Allen and A. J. Pifer (eds.), Women on the Front Lines, op. cit. |