Nhìn lại 20 năm thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc tế Madrid về Người cao tuổi

Năm 2022 này đánh dấu 20 năm kể từ ngày Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về Người cao tuổi thông qua Kế hoạch Hành động Quốc tế Madrid về Người cao tuổi (MIPAA). Đây là một dịp đề nhìn lại về những thành quả, thất bại và những bài học đạt được trong quá trình hai thập kỷ thực hiện MIPAA.

Công tác NCT trên toàn cầu trước MIPAA

Trên thực tế, các hành động quốc tế về vấn đề già hoá và NCT đã được khởi động từ 40 năm trước, bắt đầu từ Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất về NCT do Liên Hợp Quốc (LHQ) và chính phủ Áo khởi xướng vào tháng 7 năm 1982. Từ Hội nghị này, Kế hoạch Hành động Quốc tế Vienna về NCT đã được thông qua và trở thành nền móng cho các hoạt động chính sách về già hoá trong 20 năm tiếp sau đó.

Kế hoạch Hành động Vienna đã mang lại nhiều kết quả khác nhau: những tiến bộ không thể phủ nhận trong việc đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của NCT ở các quốc gia phát triển; nhưng đồng thời là sự buông lỏng chính sách ở các nước kém phát triển hơn.

Tại sao lại có sự khác biệt này? Đơn giản là bởi vì các quốc gia đang phát triển vào thời điểm đó có một cơ cấu dân số trẻ hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển, và họ cũng đang phải đối mặt với các thách thức lớn khác cần được ưu tiên giải quyết, đặc biệt là trong các mảng chính trị, y tế, xã hội và kinh tế.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều những bằng chứng cho thấy rằng chính các nước đang phát triển sẽ là nơi mà sự thay đổi nhân khẩu học và quá trình già hoá dân số sẽ diễn ra ở quy mô và tốc độ chưa từng có. Điều này sẽ trở thành một vấn đề lớn, gây áp lực và đe doạ tới tiềm năng phát triển của các quốc gia này nếu không có sự chuẩn bị để thích ứng với một xã hội già hoá.

 

Tổng thư ký LHQ Kofi Annan tại Lễ khai mạc Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về NCT diễn ra ở Madrid

2002: Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về NCT diễn ra ở Madrid

Đối mặt với những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện Kế hoạch Vienna, 20 năm sau, tại Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về NCT ở Madrid, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là thu hẹp khoảng cách trong các hành động giải quyết vấn đề già hoá trên toàn cầu. Hội nghị đã nhìn nhận các cơ hội và thách thức trong vấn đề già hoá, cả trong khía cạnh vĩ mô về dân số và vi mô đối với từng cá nhân, tại các quốc gia ở các giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học.

Một nhiệm vụ cơ bản khác là đề xuất các biện pháp để giải quyết hài hoà các vấn đề về già hoá dân số và phát triển xã hội. Đồng thời, các vấn đề như sức khoẻ, sự tự chủ và sự an toàn của NCT cũng được đặt làm các ưu tiên quan trọng.

Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về NCT – nơi đã thông qua MIPAA – ban thư ký LHQ đã nỗ lực để xác định các lý do dẫn tới việc không đạt được nhiều thành tựu sau Kế hoạch Hành động Vienna. Các trở ngại sau đây đã được xác định:

  1. Thiếu nguồn lực, cả về con người lẫn nguồn lực tài chính;
  2. Mức độ ưu tiên chính trị thấp đối với các vấn đề về già hoá và NCT;
  3. Cơ sở hạ tầng để đáp ứng cho NCT và thích nghi với già hoá của các quốc gia còn yếu kém.

Trong tất cả các cuộc xem xét và đánh giá tiến độ thực hiện MIPAA kể từ năm 2002 cho tới nay, ba trở ngại này vẫn luôn là những ứng cử viên hàng đầu được nêu tên.

 

Điều gì đang cản trở chúng ta?

Tiến độ thực hiện MIPAA được đánh giá 5 năm một lần; cuộc xem xét và đánh giá lần thứ tư đang diễn ra ngay trong thời điểm hiện tại. Các kết quả và phát hiện sẽ được phân tích bởi các cơ quan khu vực của LHQ trong năm nay, và năm sau sẽ được thực hiện ở cấp độ toàn cầu.

Các phát hiện của ba đợt xem xét và đánh giá MIPAA trước đều không mang lại kết quả ấn tượng, chủ yếu thể hiện những tiến bộ nhỏ ở một vài lĩnh vực, và rất ít, thậm chí là không có thay đổi ở nhiều lĩnh vực khác được đưa ra trong bản Kế hoạch. Nếu đem ra so sánh thì những bản tóm tắt này trông quen thuộc tới đau lòng với đánh giá về kết quả đạt được từ Kế hoạch Hành động Vienna.

Báo cáo của LHQ về vấn đề già hoá năm 2013 đã đưa ra một điểm lưu ý rằng ở nhiều quốc gia, việc thực hiện MIPAA đã không mang lại kết quả mong đợi là thúc đẩy được các chính phủ đưa vấn về già hoá trở thành vấn đề ưu tiên trong phát triển. Một rào cản dai dẳng luôn hiện hữu là sự khác biệt giữa các chính sách được thông qua về mặt pháp luật và việc thực thi chúng trên thực tế, phản ánh sự hạn chế trong cam kết chính trị hoặc thậm chí là sự thiếu ý chí chính trị trong các nỗ lực giải quyết các vấn đề về già hoá.

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới các trở ngại cơ bản hiện hữu ở cấp độ quốc tế. Một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu phối hợp trong quá trình thực thi kế hoạch trên toàn cầu. Điều này, một lần nữa, phản ánh mức độ ưu tiên thấp dành cho vấn đề già hoá và NCT trong hệ thống các cơ quan của LHQ. Đầu mối toàn cầu về vấn đề già hoá trong ban thư ký LHQ có quy mô nhỏ tới mức khó tin, chỉ gồm 3 chuyên gia hỗ trợ theo dõi quá trình thực thi MIPAA trên toàn cầu.

Sự thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp này tại cơ quan đầu mối toàn cầu của LHQ đã được phần nào bù đắp thông qua việc chuyển giao trách nhiệm tiếp nối các hoạt động của Hội nghị Quốc tế thứ hai về NCT cũng như theo dõi quá trình thực thi MIPAA cho các cơ quan cấp khu vực, dưới sự giám sát của các uỷ ban khu vực của LHQ. Tuy nhiên, các đề xuất để thành lập nên một tổ chức quốc tế nằm trong hoặc ngoài cơ cấu của LHQ để điều phối và hỗ trợ các hành động dựa trên bằng chứng để giải quyết các vấn đề về già hoá và NCT chưa từng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia thành viên LHQ hay của các nhà tài trợ độc lập.

 

Các điểm yếu lớn nhất của MIPAA

Quyền lựa chọn hành động thay vì một chế tài pháp lý

MIPAA không phải một văn bản hoàn hảo. Bản thân bản Kế hoạch này còn tồn tại những điểm yếu, tạo nên các trở ngại trong quá trình thực thi, trong đó nổi bật nhất là việc thiếu tính rằng buộc pháp lý. Dù đã đồng ý để đạt được các mục tiêu trong bản Kế hoạch, các chính phủ không có trách nhiệm giải trình và báo cáo tiến độ thực hiện tại quốc gia mình. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nước không có động thái đưa ra các chính sách hướng tới thực thi các cam kết đã đưa ra.

Một vài thập kỷ với những nỗ lực không mệt mỏi của các tổ chức phi chính phủ như HelpAge International và một vài chính phủ nhiệt tình cho tới nay vẫn chưa mang lại được sự đồng thuận toàn cầu về việc cần soạn thảo một công cụ ràng buộc pháp lý, như một công ước hoặc hiệp ước quốc tế, để giải quyết các vấn đề về già hoá

Thiếu hỗ trợ kỹ thuật dành cho các quốc gia dẫn đến sự thờ ơ

Sự yếu kém trong công tác phối hợp quốc tế còn được thể hiện ở sự hạn chế trong các hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực quốc gia về vấn đề già hoá ở các nước kém phát triển hơn. Hiện nay, những hỗ trợ này chỉ được cung cấp duy nhất bởi Quỹ dân số LHQ (UNFPA) – một trong những tổ chức thuộc bộ máy của LHQ.

Một điểm yếu khác của đầu mối quốc tế về vấn đề già hoá là năng lực phân tích dữ liệu hạn chế để đảm bảo việc thực thi MIPAA theo nguyên tắc dựa trên các bằng chứng xác thực. Để thiết lập được một nền tảng các bằng chứng vững chắc cho các hành động quốc tế giải quyết các vấn đề già hoá, một cơ sở dữ liệu cố định trên Internet về các chính sách công liên quan tới vấn đề này đã được đề xuất thành lập từ cách đây 20 năm. Một cơ sở dữ liệu như vậy, nếu được liên kết với các chương trình của LHQ về già hoá, có thể đảm bảo một sự trao đổi quốc tế liên tục về chuyên môn và kinh nghiệm trong việc thiết kế và thực thi các chính sách liên quan tới già hoá. Đề xuất này, vốn còn hiệu lực cho tới ngày nay, đã nhận được sự ủng hộ chính thức từ chính phủ Hà Lan, nhưng lại được tạm hoãn trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về NCT và chưa được khởi động lại cho tới nay.

Không có quỹ dành riêng cho vấn đề già hoá

Sau kỳ Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất về NCT, những hỗ trợ đáng kể cho các hoạt động hợp tác kỹ thuật đã được điều phối bởi Quỹ tín thác LHQ về vấn đề già hoá. Các nguồn lực của Quỹ này, mặc dù còn hạn chế, đã phần nào giúp thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch Hành động Vienna ở các nước đang phát triển.

Không lâu trước kỳ Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về NCT, các nguồn lực của Quỹ đã cạn kiệt và từ đó đã không được hồi sinh trở lại, phần lớn là do sự uể oải trong các nỗ lực gây quỹ. Gần đây, đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng việc gây quỹ cho vấn đề già hoá về cơ bản là khó có thể được hiện thực hoá trong một thế giới với sự đồng cảm ngày càng suy giảm và sự trỗi dậy của chủ nghĩa vị kỷ quốc gia.

 

Cần có những phương thức mạnh mẽ để giảm thiểu các tác động tiêu cực của quá trình già hoá dân số, đồng thời phát huy được vai trò của NCT cũng như khai thác được các tiềm năng của một xã hội già hoá.

Liệu có một tương lai tươi sáng hơn cho các hành động giải quyết vấn đề già hoá?

Đại dịch trong hai năm vừa qua, và thế giới hậu đại dịch đòi hỏi những thay đổi căn bản trong cách tiếp cận chính sách, bao gồm cả các chính sách về già hoá. Sự lựa chọn khó khăn nhất là giữa việc đưa ra các điều chỉnh mang tính thẩm mỹ và thực hiện những thay đổi triệt để từ nền móng. Dịp kỷ niệm 20 năm của MIPAA là một cơ hội để các chính phủ đưa ra lựa chọn cụ thể.

Cơ quan đầu mối về già hoá của LHQ cần phải được chuyển đổi thành một trung tâm đầu phối thực thụ với đầy đủ nguồn nhân lực và tài chính để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết trong việc xây dựng chính sách. Trong trường hợp lý tưởng, một tổ chức quốc tế chuyên trách về già hoá sẽ được thành lập, tốt nhất là nằm ngoài khuôn khổ bộ máy các cơ quan của LHQ.

Nội dung của MIPAA và các chiến lược thực thi ở từng khu vực cần phải được nghiêm túc xem xét, đánh giá lại về các mục tiêu và biện pháp được đưa ra: những điều gì cần được bổ sung và những gì cần được lược bớt.

Những can thiệp mang tính phản ứng để đáp ứng nhu cầu của NCT cần phải được song hành với các nỗ lực chủ động giúp cho xã hội có thể thích nghi được với tình trạng già hoá dân số, và từ đó xây dựng được một xã hội thân thiện với mọi lứa tuổi như đã được đề ra trong tầm nhìn của MIPAA.

Cần có các biện pháp thúc đẩy liên tục để gây dựng sự gắn kết liên thế hệ và hướng tiếp cận dựa vào cộng đồng, từ đó tạo nên các chính sách về già hoá có hiệu quả và tính bền vững cao. Cần có những phương thức mạnh mẽ để giảm thiểu các tác động tiêu cực của quá trình già hoá dân số, đồng thời phát huy được vai trò của NCT cũng như khai thác được các tiềm năng của một xã hội già hoá.

Cuối cùng, một lộ trình cụ thể cần được thiết lập để tạo nên một công cụ quốc tế có tính ràng buộc pháp lý, một Công ước về NCT vốn đã được mong mỏi từ lâu.

 

Khủng hoảng tạo nên cơ hội

Đây là một góc nhìn thú vị, xuất phát từ một câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Quan điểm này đã truyền cảm hứng cho vô vàn những nỗ lực giải quyết các vấn đề và biến chúng thành động lực thúc đẩy sự phát triển. Đại dịch COVID-19 đã vạch rõ ra nhiều lỗ hổng trong hợp tác quốc tế ở các lĩnh vực khác nhau của chính sách y tế, xã hội và kinh tế, bao gồm cả các chính sách liên quan tới già hoá. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để khắc phục các khuyết điểm này để có được một cách tiếp cận toàn diện hơn trong việc giải quyết các vấn đề về già hoá ở phạm vi toàn cầu nói chung và ở mỗi quốc gia nói riêng.

Dịp kỷ niêm 20 năm tuổi của MIPAA cũng tạo nên một tiền đề cho những phân tích sâu sắc và các sửa đổi cần thiết trong các hành động nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới già hoá.

Điều quan trọng là liệu chúng ta có dám chấp nhận thử thách hay không?

Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.