Phòng chống ngược đãi người cao tuổi: Còn đó những khoảng trống

Ai đó từng ví “Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa” nhưng trong xã hội hiện đại, sau cánh cửa của nhiều gia đình đôi khi không còn là sự bình yên. Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và gần đây là sự bùng phát của đại dịch COVID-19, nhiều giá trị gia đình ngày nay đã có sự chuyển dịch đáng kể. Một trong những hệ quả của xu hướng này là tình trạng ngược đãi người cao tuổi (NCT) ngày càng gia tăng. Hình ảnh người phụ nữ đánh đập mẹ ruột vì “bà không để lại gì, lại phải nuôi” tại Long An lan truyền mạng xã hội vào tháng 9/2020 hay câu chuyện 31 NCT tại nhà dưỡng lão ở Canada bị bỏ mặc đến chết khi những người chăm sóc các cụ bỏ đi do sợ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong cộng đồng.

Đâu là nguồn cơn của những câu chuyện đau lòng này? Liệu có chính sách nào đủ mạnh mẽ bảo vệ NCT trước nguy cơ bị ngược đãi? Nhân ngày Thế giới Phòng chống ngược đãi Người cao tuổi (World Elder Abuse Awareness Day – WEAAD) cùng chúng tôi tìm hiểu và thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp cho thực trạng đáng báo động này.

Khi đằng sau cánh cửa nhà không còn là bình yên

Ngược đãi NCT là một hành động đơn lẻ hay lặp đi lặp lại, xảy ra trong bất kỳ mối quan hệ nào, gây tổn hại hoặc đau khổ cho NCT. Các hình thức ngược đãi NCT bao gồm: ngược đãi thể chất, ngược đãi tinh thần hoặc cảm xúc, lạm dụng tình dục, bóc lột tài chính và sao lãng, bỏ mặc. Ngược đãi NCT có thể gây ra bởi những người gần gũi, như thành viên trong gia đình, người chăm sóc, hoặc các cơ quan, tổ chức xã hội.

Các hình thức ngược đãi người cao tuổi

Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, có 15,7% người từ 60 tuổi trở lên đã phải chịu ngược đãi dưới một hình thức nào đó, tương đương cứ khoảng 6 NCT lại có 1 người bị ngược đãi. Trong đó, 11,6% bị ngược đãi về mặt tinh thần; 6,8% bị lạm dụng tài chính; 4,2% bị bỏ rơi; 2,6% bị bạo hành thể chất và 0,9% bị lạm dụng tình dục. Kết quả này dựa trên bằng chứng tốt nhất có được từ 52 nghiên cứu ở 28 quốc gia từ các vùng khác nhau, trong đó có 12 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Các bằng chứng còn cho thấy tình trạng ngược đãi và bỏ mặc NCT có xu hướng gia tăng trong thời gian đại dịch COVID-19. Tuy vậy, ngược đãi NCT hiện là một vấn nạn vô hình khi chỉ có khoảng 4% các vụ việc được báo cáo và ghi nhận.

Tại Việt Nam, theo số liệu mới nhất, có 13,9% NCT bị ngược đãi dưới hình thức nói nặng lời, 2,2% bị từ chối nói chuyện, 0,6% bị đánh đập, đe dọa1. Báo cáo nghiên cứu quốc gia mới đây nhất về bạo lực đối với phụ nữ trong mẫu và dân số độ tuổi từ 15 tới 64 tại Việt Nam cho thấy phụ nữ từ 44 tuổi trở lên có tỷ lệ trải nghiệm bạo hành tinh thần trong đời là cao nhất2.

Ngược đãi NCT có thể dẫn đến các chấn thương về thể chất – từ trầy xước và bầm tím nhẹ đến gãy xương và thương tật – và các hậu quả tâm lý nghiêm trọng, đôi khi kéo dài, bao gồm trầm cảm và lo âu. Đối với những NCT, hậu quả của việc ngược đãi có thể đặc biệt nghiêm trọng và kéo theo thời gian dưỡng bệnh lâu. Ngay cả những vết thương tương đối nhỏ cũng có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng và vĩnh viễn, hoặc thậm chí tử vong. Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy rằng những nạn nhân của ngược đãi NCT có nguy cơ chết sớm cao gấp đôi so với những người không phải là nạn nhân.

Đáng chú ý là dù tất cả các hình thức ngược đãi NCT đều có tác động tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống của NCT, nhưng cơ sở dữ liệu về thực trạng ngược đãi NCT và các chương trình, dịch vụ hỗ trợ NCT tại Việt Nam còn rất hạn chế.

Nguyên nhân của ngược đãi NCT

Trong những năm gần đây, việc con cái chiếm nhà đất của cha mẹ, không chăm sóc phụng dưỡng, đánh đập cha mẹ già, xâm phạm đời sống riêng tư, đối xử bạc bẽo… là những hiện tượng không hiếm trong đời sống xã hội hiện đại. Vậy đâu là nguyên nhân khiến thực trạng ngược đãi NCT ngày càng gia tăng? 

Sự phụ thuộc về kinh tế – chăm sóc của NCT

Năm 2020, mới chỉ khoảng 43,6% NCT có lương hưu, hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, hoặc chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng. Như vậy, phần lớn NCT Việt Nam hiện vẫn chưa có nguồn an sinh thu nhập ổn địnhtừ chính phủ, họ phải sống dựa vào con cái, hoặc tiếp tục làm việc để kiếm sống với mức thu nhập thấp. Kể cả với người được hưởng trợ cấp xã hội, thì mức chuẩn trợ cấp quá thấp, còn xa mới đảm bảo mức sống tối thiểu. Thiếu thốn về vật chất trong khi khả năng tham gia hoạt động kinh tế tạo thu nhập giảm đi, sức khỏe giảm dần dẫn đến các chi phí chăm sóc tăng cao khiến cho NCT dễ bị tổn thương hơn. Tâm lý phụ thuộc vào con cái từ phía NCT và tâm lý phải “nuôi” cha mẹ già từ phía người trẻ có thể làm phát sinh áp lực kinh tế và rạn nứt trong tình cảm gia đình.  Điều này   dẫn đến những căng thẳng trong gia đình và hậu quả làtrong một số gia đình, NCT bị ngược đãi dưới nhiều hình thức, từ lời nói (lăng mạ, sử dụng ngôn ngữ không phù hợp…) đến hành động (đánh đập, xô đẩy…) hoặc các hình thức khác như bỏ bê, không quan tâm đến NCT.

Thiếu thấu hiểu giữa các thế hệ

Hiếu kính là một giá trị nổi bật của gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch chuyển của các mô hình gia đình đa thế hệ sang mô hình hạt nhân, giá trị về đạo hiếu và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình đứng trước nguy cơ mai một. Đặc biệt trong trong thời đại 4.0, khi thời gian và các hoạt động tương tác trực tiếp với nhau ngày càng ít đi, việc tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên trong gia đình sẽ càng khó khăn hơn. Do áp lực công việc, con cái ít có thời gian quan tâm tới cha mẹ, hay những khoảng cách và xung đột thế hệ đã ảnh thưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa NCT và các thành viên trong gia đình.

Các bối cảnh làm gia tăng căng thẳng

Trong tất cả các tình huống khẩn cấp như thiên tai, bệnh dịch, NCT đều dễ bị tổn thương hơn vì tình trạng sức khỏe của họ cũng như sự thiếu quan tâm chung của toàn xã hội đối với NCT. Trong đại dịch COVID-19, thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp NCT bị ngược đãi và bỏ rơi, đặc biệt là tại các cơ sở chăm sóc dài hạn cũng như trong cộng đồng nơi có đa số NCT sinh sống. Không chỉ có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo và tử vong cao mà họ còn bị phân biệt đối xử, kỳ thị và bị vi phạm nhiều quyền con người.

Kỳ thị tuổi tác

Ở Việt Nam, tư tưởng coi người cao tuổi là “già yếu”, “phụ thuộc’’, “gánh nặng’’ vẫn còn phổ biến trong nhiều gia đình. Phân biệt tuổi tác diễn ra dưới nhiều hình thức, từ tư tưởng, thái độ đến cách cư xử với NCT khiến tiếng nói và vai trò của NCT  không được ghi nhận. Sự kỳ thị tuổi tác vô hình chung đặt NCT vào vị trí “yếu thế” trong xã hội, làm tăng nguy cơ đối mặt với các hành vi ngược đãi trong gia đình và cộng đồng. 

Vẫn còn những khoảng trống

Theo Hiến pháp, NCT là đối tượng được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc. Nhà nước luôn tạo mọi sự bình đẳng về cơ hội thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội và các chính sách trợ giúp cho NCT. Song thực tế, công tác phòng chống ngược đãi NCT tại gia đình và cộng đồng vẫn tồn tại những khoảng trống.

NCT, thành viên gia đình và cộng đồng thiếu hiểu biết về quyền NCT

Việt Nam đã ban hành một số bộ luật và chính sách liên quan phòng, chống bạo lực NCT, trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân Gia đình và Luật người cao tuổi,… Tuy nhiên, nhận thức pháp luật về bạo lực NCT và những người có trách nhiệm, thậm chí của cả người thực thi pháp luật vẫn còn hạn chế. Yếu tố cốt lõi của vấn đề này là do bạo lực NCT vẫn bị coi là vấn đề riêng tư, là chuyện trong nhà “đóng cửa bảo nhau”. Đặc biệt, phụ nữ cao tuổi còn chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm truyền thống “một điều nhịn là chín điều lành”, dẫn đến thái độ cam chịu, chấp nhận bị ngược đãi. Bên cạnh đó, do bị phụ thuộc về kinh tế và chăm sóc, nên nhiều NCT  đã lựa chọn im lặng thay vì lên tiếng và điều này đã vô tình hạn chế sự can thiệp, hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức xã hội.

Mạng lưới bảo vệ NCT chưa đủ mạnh

Thời gian qua tình trạng NCT bị lạm dụng, bị bạo hành gia tăng, nhưng chưa có nhiều biện pháp bảo vệ, hỗ trợ NCT kịp thời như các đường dây nóng hay dịch vụ hỗ trợ pháp lý tại địa phương dành riêng cho NCT. Sự thiếu vắng cơ chế báo cáo dẫn đến nhiều vụ việc ngược đãi NCT không được phát hiện và đưa ra ngoài ánh sáng. Chỉ một số ít trường hợp hoặc tới khi đã có hậu quả thương tâm, lực lượng chức năng mới có thể vào cuộc.

Dữ liệu về ngược đãi NCT rất khan hiếm

Trên thực tế, hầu hết các nghiên cứu về bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được tiến hành giới hạn trong nhóm người tham gia có độ tuổi trẻ hoặc đến 65 tuổi. Như vậy, những NCT từ 65 tuổi trở lên – bộ phận chịu tác động thường xuyên và nghiêm trọng nhất của ngược đãi, đang thiếu vắng trong bức tranh tổng thể của các nghiên cứu này. Việc thiếu cơ sở dữ liệu tin cậy cũng là một rào cản lớn trong việc đưa ra các giải pháp phù hợp, mang tính chiến lược và bền vững.

Phòng chống ngược đãi NCT: Chuyện không của riêng ai

Ngược đãi NCT đang là một vấn đề gây nhức nhối trong cộng đồng. Theo đó, những khoảng trống trong việc tiếp cận quyền của NCT và các chính sách bảo vệ NCT đòi hỏi sự lên tiếng và chung tay của toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam. Một số khuyến nghị bao gồm:

Có các chính sách và chương trình nhằm đảm bảo an ninh thu nhập và sức khỏe cho NCT

NCT sẽ bớt rủi ro bị ngược đãi hơn nếu họ được đảm bảo về thu nhập và có sức khỏe  tốt hơn để không bị phụ thuộc vào con cháu. Bên cạnh các giải pháp về nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hay giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, rất cần có các chương trình dậy nghề, tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho NCT có nhu cầu làm việc để mưu sinh, cũng như xóa bỏ các rào cản tuổi tác để NCT được tiếp cận các dịch vụ tài chính và cơ hội việc làm. Cần thực hiện tốt các chính sách về chăm sóc sức khỏe cho NCT, như Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030, cũng như cần có chính sách về chăm sóc dài hạn cho NCT, tập trung ở cộng đồng.

Tăng cường sự thấu hiểu giữa các thế hệ

Cần tăng cường nâng cao nhận thức và hiểu biết của người trẻ về nhu cầu, nguyện vọng và quyền của NCT cũng như có các giải pháp nhằm thúc đẩy sự tương tác, thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau thông qua các hoạt động truyền thông và giáo dục cảm xúc. Nếu đòn roi và bạo lực xuất phát từ những đứt gãy bên trong mỗi cá nhân hay giữa các thế hệ, thì sự thấu hiểu và yêu thương chính là chất keo hàn gắn tự nhiên và bền chặt nhất, là chìa khóa mang bình yên trở về sau mỗi cánh cửa gia đình.

“Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc…” (Ảnh: Internet)
Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội hỗ trợ NCT

Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ các cấp có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi NCT nói chung và phụ nữ cao tuổi nói riêng. Thông qua mạng lưới rộng khắp, các Hội đoàn thể này cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời  cũng như giúp đỡ, bảo vệ các trường hợp NCT bị ngược đãi. Các Hội cũng nên phát huy vai trò của các mô hình cộng đồng như Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, tạo thu nhập, nâng cao nhận thức kiến thức, bảo vệ quyền lợi của NCT, cũng như thúc đẩy sự tham gia của NCT trong các hoạt động cộng đồng, để NCT được trở nên độc lập hơn, tự tin hơn trong bảo vệ bản thân và người khác.

Bổ sung các nghiên cứu và cập nhật dữ liệu về ngược đãi NCT

Trong bối cảnh già hóa dân số và thực tế khan hiếm dữ liệu về ngược đãi NCT nêu trên, cần xóa bỏ quy định tuổi tác trong các nghiên cứu liên quan đến vấn đề này nhằm có số liệu toàn diện. Bên cạnh đó, cần tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu dành riêng cho nhóm NCT. Từ đó, có bức trang tổng thể, làm căn cứ đưa ra các giải pháp phù hợp.

Xây dựng hành lang pháp lý toàn diện để bảo vệ NCT

Cụ thể, tiếp tục bổ sung, cụ thể hóa các điều khoản về bạo lực với NCT trong các bộ luật và chính sách liên quan. Thiết lập mạng lưới báo cáo về ngược đãi NCT dưới hình thức Đường dây nóng phòng chống ngược đãi NCT, được thiết kế phù hợp nhu cầu và đặc điểm của NCT. Cùng với đó, cần có những hướng dẫn cụ thể cho NCT về việc sử dụng công nghệ thông tin để báo cáo hay nhận tư vấn trực tuyến. Hơn nữa, cần tổ chức những hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các cán bộ cấp cơ sở để có khả năng phát hiện và xử lý các vụ việc liên quan đến ngược đãi NCT.

Trong bối cảnh Việt Nam đang già hóa nhanh chóng, số NCT (60 tuổi trở lên) dự báo sẽ tăng từ hơn 11, 4 triệu người (11,86% tổng dân số) năm 2019 lên 21 triệu người (20% tổng dân số) năm 2038 và dự kiến là gần 27 triệu người vào năm 2049 (chiếm 24,8% tổng dân số)3, cùng với thực tế là ngày càng nhiều hơn các vụ ngược đãi NCT đã xảy ra gần đây, đặt ra sự cấp thiết cần quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống ngược đãi NCT, để tất cả NCT đều được sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.


Chú giải:

1 “Khảo sát khả năng đáp ứng của chính sách BHYT với vấn đề già hóa” do Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học thực hiện cùng với Vụ BHYT, BYT với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Ngân hàng Phát triển Châu Á (2020)

2 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên hợp quốc. 2020. Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019.

3 Tổng cục Thống kê & Quỹ Dân số Liên hợp quốc. 2016. Dự báo Dân số Việt Nam 2014 – 2049.

Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.