Nâng cao sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi

Hiện nay quá trình già hoá trên toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực y khoa, đã giúp con người có cuộc sống tốt hơn và kéo dài tuổi thọ trung bình so với trước đây. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo trong khoảng từ năm 2015 đến năm 2050, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gần gấp đôi từ 12% lên 22%. Tại Việt Nam, từ năm 2017, dân số từ 65 tuổi đã chiếm 7,15% tổng dân số và dự báo tới năm 2069 số lượng NCT sẽ đạt 31,69 triệu người (chiếm 27,11% tổng dân số). Để có quá trình già hoá khoẻ mạnh, bên cạnh việc đảm bảo sức khoẻ về thể chất, chăm lo cho sức khoẻ tinh thần là một việc vô cùng quan trọng.

Ảnh: HelpAge International tại Việt Nam

Người cao tuổi (NCT) đang phải đối mặt với những thách thức về sức khỏe, đặc biệt là sức khoẻ tâm thần. Hơn 20% người từ 60 tuổi trở lên có rối loạn tâm thần hoặc bệnh lý về thần kinh (không bao gồm đau đầu). Các rối loạn tâm thần và thần kinh phổ biến nhất ở nhóm tuổi này là sa sút trí tuệ và trầm cảm. Ở Việt Nam, theo số liệu điều tra năm 2002, tỷ lệ mất trí tuổi già là 0,9% dân số, năm 2012 tăng lên 1,52%.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần thường bị bỏ qua và không được nhận định rõ ràng bởi nhiều cộng đồng cũng như bản thân NCT. Tại nhiều nơi, bệnh tâm thần không được coi là một bệnh lý thực sự mà được xem như một sự khiếm khuyết trong tính cách (Jean-Marc Olivé, 2008). Chính những sự kỳ thị xung quanh vấn đề này này khiến người bệnh gặp thêm nhiều khó khăn trong tìm kiếm giúp đỡ và điều trị.

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần cho NCT như những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, suy giảm thể chất, mắc nhiều bệnh tật, trải qua những sự kiện mất mát người thân, bạn bè, hoặc tình trạng suy giảm kinh tế xã hội khi nghỉ hưu. Tất cả những yếu tố gây căng thẳng này có thể dẫn đến sự cô lập, cô đơn hoặc tâm lý đau khổ ở NCT. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và ở những nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Sức khỏe tâm thần có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và ngược lại. NCT thường có nhiều bệnh mạn tính hay bệnh không lây nhiễm (BKLN) như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư, v.v. Việc mắc những bệnh này trong một thời gian dài  có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt là trầm cảm và lo âu.

NCT cũng là một trong những đối tượng dễ bị lạm dụng và ngược đãi. Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, có 15.7% người từ 60 tuổi trở lên đã phải chịu ngược đãi dưới một hình thức nào đó, tương đương cứ khoảng 6 NCT lại có 1 người bị ngược đãi. Trong đó, tỷ lệ NCT bị ngược đãi về mặt tinh thần nhiều nhất (chiếm 11,6%) so với các loại hình ngược đãi khác như tài chính (6,8%), bị bỏ rơi (4,2%) bị bỏ rơi; thể chất (2,6%) và tình dục (2,6%). Điều này không chỉ có thể dẫn đến những tổn thương về thể chất cho họ mà còn dẫn đến những hậu quả tâm lý nghiêm trọng kéo dài.

Ảnh: Danie Franco

Để cải thiện sức khỏe tâm thần cho NCT, cần thúc đẩy quá trình Già hóa Năng động và Khỏe mạnh, nói một cách khác là tạo ra các điều kiện sống, môi trường hỗ trợ sức khỏe và cho phép mọi người có một cuộc sống lành mạnh. NCT cần có các nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu của họ, chẳng hạn như: đảm bảo an ninh, hỗ trợ xã hội và chăm sóc cho NCT, các chương trình ngăn chặn và đối phó với hành vi ngược đãi NCT, đào tạo các nhà cung cấp dịch vụ y tế về cách làm việc với các vấn đề liên quan đến già hóa, v.v.

Cần có các biện pháp can thiệp giải quyết các yếu tố nguy cơ của các BKLN, bao gồm cả các rối loạn tâm thần và giải quyết các rào cản của hệ thống y tế để giảm thiểu các biến chứng, nguy cơ tử vong sớm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều này phù hợp với mục tiêu 3.4 của Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs): “đến năm 2030, giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm thông qua phòng ngừa, điều trị và nâng cao sức khỏe tâm thần”.

Đặc biệt, cần có sự quan tâm hơn từ cộng đồng và gia đình đến đời sống tinh thần của NCT, giúp họ nhận biết và điều trị kịp thời các triệu chứng rối loạn tâm thần, được hoà nhập vào cuộc sống hàng ngày và phát huy vai trò của bản thân trong sự phát triền bền vững của xã hội.

Tổ chức Y thế Thế giới đã hỗ trợ các chính phủ trong tăng cường và thúc đẩy mục tiêu về sức khỏe tâm thần ở NCT và lồng ghép các chiến lược hiệu quả vào các chính sách và kế hoạch. Cụ thể trong Kế hoạch Hành động Toàn diện về Sức khỏe Tâm thần giai đoạn 2013-2020 tập trung vào 4 mục tiêu chính:

  1. Tăng cường sự lãnh đạo và quản trị hiệu quả đối với sức khỏe tâm thần;
  2. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc xã hội và sức khỏe tâm thần toàn diện, tích hợp và đáp ứng trong các cơ sở dựa vào cộng đồng;
  3. Thực hiện các chiến lược thúc đẩy và phòng ngừa trong sức khỏe tâm thần;
  4. Tăng cường hệ thống thông tin, bằng chứng và nghiên cứu về sức khỏe tâm thần.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần được hình thành từ năm 1999. Chương trình đã tập trung vào xây dựng “mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng”. Đến năm 2008, mô hình đã bao phủ trên toàn 63 tỉnh thành với gần 40% xã/phường triển khai. Nhờ có mô hình này những người bị tâm thần phân liệt và động kinh đã được quản lý tại cộng đồng và sự kỳ thị, phân biệt đối xử đã được giảm bớt. Điều này góp phần rất lớn trong việc gánh nặng cho cả bệnh nhân và gia đình họ.

Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau thực hiện bài thể dục tập thể

Ngoài ra, Việt Nam còn có một mô hình cộng đồng khác hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT thông qua tăng cường sự tham gia của NCT trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao thu nhập và hỗ trợ cộng đồng – đó là Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau. Từ một mô hình thí điểm do Tổ chức HelpAge International (HAI) hỗ trợ, mô hình đã trở thành mô hình quốc gia, có chỉ tiêu nhân rộng trong Chương trình Hành động Quốc gia về NCT và Chính phủ đã có hai Đề án nhân rộng theo Quyết định 533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 và Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Câu lạc bộ đã được Hội NCT các cấp nhân rộng, trên 61 tỉnh/thành trong cả nước với số lượng hơn 3400 CLB. Với 8 mảng hoạt động đa dạng, CLB đã giúp các thành viên là NCT không chỉ cải thiện thu nhập, phát huy vai trò, sự tham gia mà còn giúp họ nâng cao sức khoẻ, có thêm nhiều niềm vui, giảm bớt sự cô đơn,…thông qua các hoạt động ý nghĩa của CLB.

Cũng như sức khoẻ thể chất, sức khỏe tâm thần đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong đảm bảo sức khoẻ tổng thể của mỗi cá nhân trong mọi độ tuổi. Chỉ khi có tinh thần tốt, chúng ta mới có thể làm việc hiệu quả, tận hưởng cuộc sống và đóng góp tích cực cho cộng đồng. Hy vọng rằng các chương trình và mô hình về chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ ngày càng được quan tâm hơn để đảm bảo già hóa khỏe mạnh cho tất cả mọi người.

Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.