Một bài toán hóc búa về già hóa dân số

Sự thay đổi trong cơ cấu dân số đang nhấn mạnh lên sự cần thiết trong việc cải cách nền kinh tế nếu đất nước muốn duy trì tăng trưởng dài hạn.

Người cao tuổi xem đua ngựa tại Câu lạc bộ Sân cỏ Hoàng gia ở Bangkok. Thái Lan hiện đã bước vào thời kỳ dân số già, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên ước tính sẽ đạt 20% dân số trong năm nay. (Ảnh: Patipat Janthong)

Bộ Tài chính Thái Lan hiện đang ngày càng lo lắng trước triển vọng dài hạn cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và áp lực lạm phát sẽ trở lên lớn hơn khi Thái Lan dịch chuyển sang cơ cấu dân số “già”.

Một nguồn tin nội bộ yêu cầu giấu tên cho biết cơ cấu dân số của đất nước đang chuyển đổi nhanh chóng, kết quả từ tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ trung bình tăng. Với một tỷ lệ cao hơn trong dân số là người cao tuổi đồng nghĩa với việc sẽ có ít người hơn trong lực lượng lao động.

Thái Lan đã được coi là một xã hội “già hóa” kể từ năm 2005, khi tỷ lệ người trên 60 tuổi đạt 10% tổng dân số. Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ đạt 20% trong năm nay. Dự tính Thái Lan sẽ trở thành một xã hội “siêu già” vào năm 2031, khi 28% trong tổng dân số sẽ là những người từ 60 tuổi trở lên.

“Lực lượng lao động là điều tiên quyết trong tăng trưởng kinh tế” – nguồn tin cho hay – “Một lực lượng lao động nhỏ hơn có thể dẫn tới mức lương gia tăng đột biến, điều sẽ gây áp lực lên lạm phát trong nước.”

Theo Bộ Tài chính, có 42 triệu người trong lực lượng lao động trên tổng dân số 69,3 triệu người ở thời điểm hiện tại. Theo một nghiên cứu vào năm 2017, con số này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 36 triệu người vào năm 2037.

Ngoài việc gia tăng áp lực lên tăng trưởng kinh tế, nguồn tin còn cho biết một cơ cấu dân số già hơn cũng sẽ trở thành gánh nặng cho ngân sách chính phủ, điều có thể thấy được qua khoản ngân sách ngày càng nhiều hơn được bỏ ra cho phúc lợi xã hội trong vài năm trở lại đây. Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2016, ngân sách dành cho phúc lợi xã hội chiếm khoảng 18% tổng chi hàng năm của chính phủ. Con số này tăng vọt lên 22% vào khoảng giữa năm 2020 và 2021.

Nguồn tin thừa nhận rằng ngân sách dành cho phúc lợi xã hội sẽ rất khó để cắt giảm, và phần lớn trong số đó là ngân sách ràng buộc dài hạn. Theo nguồn tin, trong ngắn và trung hạn, Bộ Tài chính sẽ phải tìm cách để nâng cao nguồn thu cho chính phủ. Cơ cấu thuế có khả năng cao sẽ được cải tổ, với các công nghệ mới được áp dụng để tăng hiệu quả cho việc thu thuế.

Trong một nỗ lực tốt nhất để thích ứng với sự già hóa dân số, chính phủ đã phát triển nên một hệ thống lương hưu đa trụ cột để bao trùm tất cả các nhóm, hướng tới việc đảm bảo cung cấp mức hỗ trợ tối thiểu như an sinh và trợ cấp xã hội thông qua các khoản hỗ trợ hàng tháng cho người cao tuổi.

Một chương trình khác cho thấy chính phủ đóng góp các khoản thanh toán cho Quỹ An sinh xã hội, Quỹ Hưu trí của chính phủ, hoặc các gói tài trợ tự nguyện như Quỹ Tiết kiệm Quốc gia cho người lao động tự do.

Nguồn tin cho biết rằng mặc dù đã có các quỹ hỗ trợ như vậy, rất nhiều trong số những lao động phi chính thức vẫn không có đủ tiền tiết kiệm sau nghỉ hưu để trang trải các chi phí. Theo số liệu của Bộ, hiện có 20,4 triệu lao động phi chính thức, trong khi chỉ có 5,82 triệu người trong số này có được những khoản tiết kiệm cho bản thân.

“Để đủ cho các chi phí cơ bản, thu nhập sau nghỉ hưu cần đạt mức 50-60% so với trước khi nghỉ hưu.” – nguồn tin cho biết – “Nhưng những người được hưởng an sinh xã hội hầu như không có các khoản tiết kiệm nào khác, và lương hưu của họ chỉ bằng khoảng 20% so với trước khi nghỉ. Chỉ có các công chức, những người là thành viên của Quỹ Hưu trí Chính phủ, mới có được mức thu nhập sau nghỉ hưu đạt 50-60% như yêu cầu.”

KKP Research, một trung tâm nghiên cứu trực thuộc Tập đoàn Tài chính Kiatnakin Phatra, gần đây đã đưa ra một báo cáo cho thấy sự thay đổi nhanh chóng trong cơ cấu dân số của Thái Lan đã gây tổn hại tới tăng trưởng kinh tế trong vòng vài năm trở lại đây, và sẽ ngày càng tạo nên áp lực lớn hơn trong tương lai.

Báo cáo này nêu rõ: “Thái Lan đang tiến gần tới ngưỡng của một xã hội già trong khi vẫn bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Năm 2020, độ tuổi trung bình của người Thái là 40,1 tuổi, xếp hạng già nhất trong số các nền kinh tế mới nổi của châu Á.”

“Với thực trạng này, tác động gây ra đối với các vấn đề mang tính cơ cấu sẽ ngày càng trở nên sâu sắc, đặc biệt là đối với tiêu dùng và đầu tư trong nước. Chính phủ chắc chắn sẽ phải đối mặt với gánh nặng tài chính ngày càng lớn do sự gia tăng trong chi tiêu cho phúc lợi xã hội.”

Tỷ lệ người cao tuổi phụ thuộc của Thái Lan được dự báo sẽ tăng từ 18% ở năm 2020 lên 30% vào năm 2030. Tỷ lệ này thể hiện số người ở độ tuổi mà họ hầu như đã không còn hoạt động kinh tế so với những người còn trong độ tuổi lao động.

Báo cáo của KKP cho biết: “Với cơ cấu dân số thay đổi, xu hướng già hóa dân số sẽ gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trên mọi mặt. Tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế có thể giảm xuống còn 2,6 – 2,8% so với mức 3,2 – 3,5% hiện nay.”

Do đó, kết luận của báo cáo cho thấy Thái Lan cần những cải cách về cơ cấu nền kinh tế để duy trì mức tăng trưởng trong dài hạn. Các công nghệ mới cũng là mấu chốt để có thể thay thế sức lao động của con người. Hơn nữa, việc nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh thông qua nền kinh tế sáng tạo và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cũng là một giải pháp quan trọng.

KKP cho biết, chính phủ cũng nên hỗ trợ các sửa đổi pháp lý để thúc đẩy chuyển dịch lao động xuyên biên giới và phát triển từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động chuyển qua các ngành kỹ thuật và tự động hóa cao.

Cuối cùng, và cũng không kém phần quan trọng, báo cáo cũng đề xuất chính phủ nên tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên dễ dàng hơn bằng cách khuyến khích năng suất và khả năng cạnh tranh trong khu vực tư nhân.


Dịch từ bài báo “An ageing conundrum” trên tờ Bangkok Post

Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.