Làm thế nào để thích ứng với một xã hội già hóa

Độ tuổi trung bình ngày càng tăng của dân số không phải lúc nào cũng là gánh nặng đối với xã hội. Ngược lại, đó có thể là một cơ hội tốt để làm giàu cho cộng đồng và  thế giới nói chung. Ngày càng nhiều  chính phủ và chính quyền địa phương nắm bắt được điều này và đặt mục tiêu tận dụng món quà của sự trường sinh để tái thiết lập các cơ sở vật chất xã hội theo cách mới. Và cùng với đó, một loạt các lĩnh vực mới trong tiêu chuẩn hóa cũng đang được xây dựng để sẵn sàng hỗ trợ.

Người cao tuổi trong buổi sinh hoạt tại Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau

Chúng ta chẳng thể trẻ lại, và dân số thế giới cũng vậy. Số lượng người cao tuổi đã bùng nổ trong những năm gần đây và chúng ta đang tiến đến thời đại mà những cụm từ như “xã hội già” đang trở thành hiện thực. Thực tế, đến năm 2030, số người ở độ tuổi từ 60 trở lên trên toàn thế giới sẽ tăng 56%; và đến năm 2050, nhiều quốc gia dự kiến ​​sẽ được xếp vào loại “xã hội siêu già”, nghĩa là người trên 65 tuổi chiếm hơn 21% tổng dân số.

Thích ứng với xu hướng này đặt ra những thách thức về kinh tế, xã hội và chính trị, đồng thời có thể làm gia tăng sự phụ thuộc của người cao tuổi vào những người trong độ tuổi lao động. Điều này thường xuyên gợi đến các viễn cảnh tăm tốivề tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, sự sụp đổ của hệ thống lương hưu và y tế, nỗi cô đơn và sự bất an hàng loạt.

Sự thật là, già hóa sẽ làm thay đổi đáng kể cách thức hoạt động của các xã hội và nền kinh tế. Điều này bao gồm cách mà người cao tuổi tìm được sự viên mãn, độ tuổi mà họ sẽ nghỉ hưu và chất lượng cuộc sống của họ sau khi nghỉ hưu. Cùng với đó là áp lực đối với xã hội về chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và khả năng tiếp cận, mỗi khía cạnh này đều đòi hỏi các giải pháp sáng tạo về mọi mặt, từ cơ sở hạ tầng tại đô thị cho tới lối sống dựa vào cộng đồng, cho phép mọi người được hưởng lợi từ sự đóng góp của chính người cao tuổi.

Vì vậy, khi chúng ta bước vào một kỷ nguyên mà ngày càng nhiều người sẽ sống lâu hơn, điều đó đặt ra câu hỏi: Liệu cái gọi là “gánh nặng” của tuổi già có phải là một thứ dai dẳng, hay thậm chí nó có thực sự tồn tại? Và làm thế nào chúng ta có thể tận dụng sự thay đổi và nắm lấy các cơ hội mang lại từ sự thay đổi trong nhân khẩu học? Câu trả lời có thể nằm ở tiêu chuẩn hóa, đây là một công cụ mạnh mẽ để hỗ trợ sự thích ứng của hàng hóa, dịch vụ và môi trường theo nhu cầu của một xã hội già hóa.

Mở khóa nguồn lực xã hội

Già hóa được nhiều người coi là một trong những rủi ro đáng lo ngại nhất đối với sự thịnh vượng chung trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo ý kiến của Tiến sĩ Malcolm Fisk, một Nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Leicesterʼs De Montfort ở Vương quốc Anh, người đang tích cực tham gia trong một số dự án nhằm đối phó với sự phân biệt tuổi tác, việc có nhiều người trên một độ tuổi nhất định là một cơ hội thực sự. Ông cho rằng: “Những người cao tuổi đại diện cho một đội ngũ gồm những cá nhân giàu kiến ​​thức và kinh nghiệm. Họ có khả năng thích nghi vô cùng lớn. Và phẩm chất đó là cần thiết để họ có thể đối mặt với tình trạng mất thu nhập (khi nghỉ hưu), những mất mát, sự tàn tật và thành kiến ​​của người khác.”

Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi

Phải thừa nhận rằng già hóa là một thách thức đối với cơ sở hạ tầng công cộng trên toàn cầu. Tuy nhiên, tin tốt là nếu các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo có một tầm nhìn và kế hoạch phù hợp cho những thay đổi sắp tới, chúng ta có cơ hội rất tốt để tận dụng những lợi ích tiềm năng của xu hướng già hóa – chẳng hạn như khai thác nguồn lực xã hội to lớn của người cao tuổi – đồng thời giảm thiểu được những nguy cơ của quá trình này.

Xu hướng dân số gần đây cho thấy rằng hầu hết mọi quốc gia đều phải dự đoán sự gia tăng đáng kể về số lượng người cao tuổi trong những thập kỷ tới. Mặc dù Nhật Bản được cho là nơi có dân số già nhất thế giới, nhưng chính các quốc gia kém phát triển lại đang phải trải qua những thay đổi mạnh mẽ nhất về nhân khẩu học. Để đối mặt với hiện tượng toàn cầu này, tất cả các quốc gia cần có các chính sách đa ngành để đảm bảo rằng công dân cao tuổi có thể tham gia tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị tại nơi mà họ đang sống.

Bằng cách hiểu được xu hướng thay đổi trong cấu trúc dân số của quốc gia, các chính phủ có thể dự đoán nhu cầu trong tương lai đối với dân số cao tuổi và có thể chủ động thực hiện các chính sách và chương trình sẽ đảm bảo hạnh phúc và hội nhập kinh tế xã hội đầy đủ đối với người cao tuổi, đồng thời, có vị trí tốt hơn để duy trì khả năng tài chính của các hệ thống hưu trí và chăm sóc sức khỏe cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một trường hợp điển hình cho việc này là chính sách “Abenomics”, được chính phủ Nhật Bản công bố vào năm 2015, hứa hẹn tăng cường hệ thống an sinh xã hội và đưa vào một hệ thống chăm sóc cộng đồng tích hợp, cho phép người cao tuổi sống độc lập – với sự hỗ trợ khi cần thiết – trong phần còn lại của cuộc đời họ.

Ở quy mô nhỏ hơn của từng địa phương, có một số chương trình với mục tiêu giữ cho người cao tuổi được an toàn, gắn bó và tích cực phát huy vai trò của họ. Ví dụ, Mạng lưới Toàn cầu về các Thành phố và Cộng đồng Thân thiện với Người cao tuổi của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra các sáng kiến ​​như chương trình Đường phố An toàn cho Người cao tuổi của Sở Giao thông Vận tải Thành phố New York, đã giúp cho7600 giao lộ nguy hiểm được thiết kế lại và các trường hợp tử vong đối với người đi bộ giảm 21%.

Khả năng tiếp cận là chìa khóa

Nếu người cao tuổi có thể tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, họ có thể tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội. Sự tham gia của họ cũng giúp ngăn ngừa sự tình trạng bị cô lập và cảm giác cô đơn, đồng thời có thể đảm bảo an ninh tài chính. Việc thiết kế dựa trên nguyên tắc hòa nhập đặt ra mục tiêu về việc tạo ra các môi trường có tính đến các nhu cầu đa dạng của những người dùng khác nhau. Điều này tập trung vào các nhu cầu liên quan đến sự tham gia (khả năng tiếp cận thông tin, các tòa nhà và giao thông công cộng dễ tiếp cận), y tế (các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ tiếp cận với giá cả phải chăng và các cơ hội để hoạt động thể chất tích cực), giáo dục thường xuyên (các mô hình học tập suốt đời) và an ninh (nhà ở và dịch vụ có giá hợp lý) –tóm lại, tất cả những thứ thúc đẩy khả năng tiếp cận thân thiện đối với người cao tuổi.

Hướng dẫn người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin

Khả năng tiếp cận nằm ở cốt lõi của các cộng đồng thân thiện đối với người cao tuổi, theo như lời của Tiến sĩ Malcolm Fisk: “Trong mọi thứ từ các tòa cao tầng, nhà cửa đến cấu hìnhvà sự tiện dụng của các sản phẩm và dịch vụ.” Điều này sẽ đặt ra một số thách thức trong tương lai, nhưng các tiêu chuẩn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện và khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực này. Tiến sĩ Fisk nhận định: “Các tiêu chí thiết kế phổ quát phải được áp dụng… và phải được gắn nhiều hơn vào các tiêu chuẩn.”

Khả năng tiếp cận là trọng tâm trong chương trình của thành phố Danderyd, Thụy Điển, nhằm đảm bảo người dân có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt về cách họ muốn sống cuộc sống của mình ở thời lão niên. Jonas Sundling, Quản lý Chất lượng Dịch vụ Xã hội tại Hội đồng Thành phố Danderyd và là thành viên tích cực của ủy ban kỹ thuật CEN/TC 449, Chất lượng chăm sóc người cao tuổi, giải thích: “Chúng tôi có một kế hoạch tiếp cận toàn diện, được gia hạn hai năm một lần, không chỉ bao gồm khả năng tiếp cận cơ sở vật chấttại các tòa nhà thuộc sở hữu của Hội đồng và các địa điểm công cộng, mà còn cả khả năng tiếp cận thông tin.”

“Chúng tôi cũng tin rằng các nhân viên chăm sóc và nhân viên xã hội có trình độ cao muốn làm việc cho các nhà tuyển dụng chất lượng. Đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt trong Ủy ban Kỹ thuật của Thụy Điển SIS/TK 572. Gần đây chúng tôi đã phát triển nên một tiêu chuẩn của Thụy Điển về chất lượng chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc thông thường hoặc tại khu dân cư và đang hướng tới việc áp dụng thực hiện nó trong tổ chức của chúng tôi.”

Khả năng tiếp cận cũng là một yếu tố chủ chốt trong Dự án Tiến bộ, một sáng kiến ​​nghiên cứu do Ủy ban Châu Âu tài trợ nhằm thiết lập một khuôn khổ bền vững và linh hoạt, nơi có thể tối đa hóa sự đóng góp của các tiêu chuẩn và tiêu chuẩn hóa cho công nghệ thông tin và truyền thông trong các dịch vụ hỗ trợ cho việc già hóa năng động và khỏe mạnh.

Tiến sĩ Malcolm Fisk, người đứng đầu dự án cho biết: “Chúng tôi sẽ đặt ra các nguyên tắc liên quan đến một khái niệm rõ ràng về các “thực hành tốt”. Công việc của chúng tôi sẽ bao gồm việc thiết lập các khuôn khổ để có được tiếng nói của người cao tuổi trong quá trình tiêu chuẩn hóa. Do đó, lợi ích thương mại của các công ty tham gia vào các quá trình này sẽ cân bằng hơn, ít nhất là trong những lĩnh vực có tác động đến người cao tuổi. ”

Các tiêu chuẩn thân thiện với người cao tuổi

Ở cấp độ quốc tế, các công việc đang được tiến hành nhằm sử dụng tiêu chuẩn hóa như một phương tiện để tạo điều kiện cho các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức do già hóa dân số đặt ra. Được phát triển như một điểm khởi đầu để giải quyết những vấn đề này, thỏa thuận hội thảo quốc tế IWA 18, Khuôn khổ cho các dịch vụ sức khỏe và chăm sóc suốt đời dựa vào cộng đồng tích hợp trong các xã hội già hóa, đã được thiết kế để khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe “thay đổi tư duy và hướng tới các dịch vụ lấy con người làm trung tâm”, đảm bảo tôn trọng phẩm giá, dễ tiếp cận, an toàn và dễ sử dụng. Thỏa thuận này là cơ sở để thiết lập nên các xã hội nơi mọi người có thể sống khỏe mạnh và năng động trong thời gian lâu nhất có thể.

Khuôn khổ này được phát triển bởi các chuyên gia từ chính phủ, ngành y tế cộng đồng, ngành công nghiệp và nghiên cứu, đưa ra các nguyên tắc cơ bản về những gì cần giải quyết khi xem xét các dịch vụ sức khỏe và chăm sóc dựa vào cộng đồng dành cho người cao tuổi. Nó tập trung vào việc đảm bảo rằng các nhu cầu cá nhân cơ bản như chăm sóc sức khỏe, các công việc sinh hoạt hàng ngày, sự tiếp xúc người với người và sự an toàn sẽ tiếp tục được đáp ứng khi một người già đi.

Nhận thấy sự cần thiết phải tiến xa hơn trong lĩnh vực này, ISO đã lập nên Nhóm tư vấn chiến lược (SAG) về các Xã hội Già hóa để giúp cung cấp thông tin cho các công việc trong tương lai của mình trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Được lãnh đạo bởi BSI, thành viên của ISO tại Vương quốc Anh, và bao gồm các chuyên gia từ tất cả các lĩnh vực của chính phủ, cơ sở hạ tầng cộng đồng, ngành nghiên cứu và ngành chăm sóc người cao tuổi, nhóm này nhằm mục đích điều tra cách mà các tiêu chuẩn có thể giúp giải quyết những thách thức do già hóa dân số đặt ra như thế nào. ISO đã có chuyên môn về nhiều chủ đề có tác động đến các xã hội già hóa và có vị trí tốt để thực hiện các công việc chiến lược trong lĩnh vực này.

Ben Carson , thư ký của SAG và đại diện cho BSI, cho biết nhóm đã xác định được bảy lĩnh vực thách thức chính bao gồm:

  • Dịch vụ chăm sóc cộng đồng/tại nhà
  • Công nghệ hỗ trợ cho người cao tuổi
  • Chăm sóc
  • Quản lý thông tin tích hợp
  • Lập kế hoạch tương lai
  • Trao quyền cho cộng đồng
  • Xây dựng tiêu chuẩn
Nếu được tạo điều kiện, người cao tuổi hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống

Bước tiếp theo sẽ là thực hiện phân tích khoảng cách giữa các tiêu chuẩn hiện có tại các quốc gia, khu vực và quốc tế để xác định những nơi đã có kiến ​​thức và ưu tiên những nơi có thể phát triển các tiêu chuẩn trong tương lai. Về điểm này, Carson nhận xét một cách tích cực: “Nhóm nhận ra rằng đã có một loạt các tiêu chuẩn giúp cộng đồng thích ứng.” Ví dụ, ISO 37120 về phát triển bền vững trong cộng đồng xác định một bộ chỉ số để chỉ đạo và đo lường hiệu quả hoạt động của các dịch vụ đô thị (như giao thông, y tế, an toàn và giải trí) và giúp theo dõi nơi có thể thực hiện các cải tiến.

Các tài liệu khác cũng đóng góp gián tiếp vào công cuộc này, chẳng hạn như Hướng dẫn ISO/IEC số 71, Hướng dẫn về cách đề cập tới khả năng tiếp cận trong các tiêu chuẩn. Nó đặc biệt hữu ích trong việc phát triển các yêu cầu và khuyến nghị cho các tiêu chuẩn tập trung vào các hệ thống mà mọi người sử dụng, tương tác hoặc truy cập.

Tuổi già đổi mới

Điều trớ trêu trong thời đại chúng ta là những người cao tuổi, những người mà theo truyền thống vốn được tôn trọng vì sự thông thái của họ với tư cách là các nhà tiên tri và các nhà lãnh đạo, giờ đây lại là nguồn cơn cho sự lo lắng về tương lai. Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ của mình để hiểu rằng quá trình lão hóa có thể là một điều tích cực thay vì tiêu cực. Loại bỏ những định kiến ​​cũ, chúng ta phải thay đổi các thể chế và chính sách công để phản ánh những nhu cầu, nguyện vọng và năng lực đã thay đổi của người cao tuổi.

Những thay đổi sâu sắc như vậy cần có các tiêu chuẩn có khả năng thách thức sự kỳ thị tuổi tác và nắm lấy các cơ hội mà già hóa dân số có thể mang lại cho chúng ta, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia và phát huy của người cao tuổi. Sẽ mất một thời gian trước khi các tiêu chuẩn khác theo quan điểm này được công bố, nhưng báo cáo phân tích khoảng cách của SAGʼs (sẽ ra mắt vào cuối năm nay) sẽ là một bước tiến đáng kể. Nó sẽ xác định được một số thiếu sót và cung cấp chất xúc tác cho các giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề của các thế hệ và sự thay đổi trong nhân khẩu học.

Rút kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới là chìa khóa cho việc này. Carson thừa nhận: “Mỗi quốc gia đều có những vấn đề và ưu tiên riêng khi quản lý dân số cao tuổi, vì vậy việc tập hợp nhóm chuyên gia này từ các ngành chuyên môn và khu vực địa lý đa dạng như vậy có nghĩa là tất cả chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau và đưa ra được một cách tiếp cận tổng thể.” Vì đây không chỉ là việc chăm sóc người cao tuổi, mà còn là việc khai thác khả năng của họ để đóng góp vào những gì mà tất cả chúng ta mong muốn cho tương lai.


Bài viết gốc: How to adapt to ageing societies

Facebook
Email
Print
This site is registered on wpml.org as a development site.