10 năm trôi qua kể từ Hội nghị cấp cao của Liên hiệp quốc về Bệnh không lây nhiễm (BKLN), nhu cầu cấp thiết nhằm phát triển chương trình Phòng chống Bệnh Không lây nhiễm toàn cầu theo hai định hướng: một mặt tiếp tục các hành động dựa trên khung tiếp cận 5×5* của chương trình hiện tại, mặt khác mở rộng những cơ hội mới nhằm tìm ra hướng tiếp cận bao trùm hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tầm nhìn này mang lại một thách thức mới, đó là nhu cầu về việc lấy người bệnh làm trung tâm trong triển khai chương trình phòng chống BKLN toàn cầu.
Tài liệu thảo luận mới nhất từ Liên minh toàn cầu Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm đã chỉ ra rẳng, chúng ta cần phải tăng cường tiếp cận cả nhóm đối tượng trẻ hơn và lớn tuổi hơn trong tương lai, thay vì chỉ tập trung vào nhóm tuổi từ 30 tới 70 như trước đây. Ước tính số người trên 65 tuổi sẽ chiếm khoảng ¼ dân số thể giới vào năm 2100. Như vậy, nếu chúng ta tiếp tục tập trung vào nhóm tuổi 30-70 như hiện tại, gần 25% dân số thế giới sẽ có nguy cơ bị bỏ qua trong chương trình này . Hậu quả này không những phi nhân văn, mà nó còn kéo theo một loạt các hậu quả đáng kể khác về chi phí kinh tế và xã hội trong những lĩnh vực khác ngoài y tế.
“Chúng ta còn thiếu các chương trình hướng đến người cao tuổi, để không khiến họ rời xa đời sống xã hội và sản xuất”
Người tham dự chiến dịch “Chúng tôi nhìn nhận, chúng tôi lên tiếng” tại Mexico do Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm phát động.
Khảo sát mới nhất của Liên Minh phòng chống các bênh không lây nhiễm Việt Nam (LM PCBKLN VN) trong nhóm người sống chung với bệnh không lây nhiễm, với 62% người tham gia nghiên cứu là người cao tuổi, khoảng một phần ba (33%) số người được hỏi nói rằng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc điều trị bệnh sẵn có , và đến 30% cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận chẩn đoán sớm các BKLN hoặc tiếp cận các điều trị có thể chi trả. Tài liệu thảo luận của Liên minh phòng chống các BKLN toàn cầu cũng cho rằng chúng ta cần quan tâm đến tỷ lệ bệnh tật hoặc đa bệnh tật, cũng như mở rộng phạm vi các bệnh hoặc tình trạng bệnh cần được quan tâm, thay vì đi theo khung tiếp cận 5×5 hiện tại*. Các nỗ lực nhằm phòng chống và điều trị các BKLN cần phải bao gồm cả nhóm người cao tuổi, đồng thời đảm bảo tiếp cận một cách bình đẳng dựa trên bệnh tật hoặc bằng chứng y tế, thay vì độ tuổi. Định kiến về tuổi tác có thể tạo ra những khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng và chăm sóc bệnh nhân NCD nói chung, từ đó dẫn tới gánh nặng bệnh tật do một số BKLN không được điều trị đúng cách.
“Không có BKLN nào được coi là tốt hơn. Chúng ta đều cảm thấy nhức nhối trước những chính sách bất cập. Ngân sách phân bổ không đúng chỗ và hệ thống y tế phân tán. Tất cả các BKLN đều nghiêm trọng và tất cả chúng ta cần chung tay trong việc định hình các đáp ứng trong công tác phòng chống BKLN toàn cầu”
Thành viên Ban tư vấn Toàn cầu Chiến dịch “Chúng tôi nhìn nhận, chúng tôi lên tiếng”, 2020-2021.
Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra 62% người cung cấp dịch vụ y tế cho rằng sa sút trí tuệ là một phần tất yếu của già hóa mà không phải là bệnh tật . Đến 40% cộng đồng cho rằng nhân viên y tế bỏ qua những người bệnh sa sút trí tuệ . Tuy nhiên, những người mắc bệnh không lây nhiễm thực sự có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc tâm thần. Cũng theo khảo sát của LM PCBKLN VN, 60% số người được hỏi cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tích hợp (bao gồm khám y tế, tâm thần và hỗ trợ xã hội), và 58% cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận chăm sóc về tâm thần.
“Tôi đã được điều trị bệnh ung thư thần kinh tọa giai đoạn 4 trong hai năm. Tôi đã đến bệnh viện nhiều lần. Bác sĩ của tôi nói rằng, bệnh viện thực hiện theo quy định của Bảo hiểm y tế khi điều trị. Nếu bất kỳ loại thuốc nào không được bảo hiểm y tế chi trả, tôi cần mua những loại thuốc đó từ nhà thuốc của bệnh viện, và cấm mua thuốc tại các hiệu thuốc bên ngoài do tình trạng thuốc giả trong điều trị ung thư đang phổ biến. Bác sĩ khuyến cáo, những hộ nông dân nghèo nên cố gắng đề nghị chính quyền địa phương đưa vào danh sách hộ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo** để được hỗ trợ 500.000 đồng / tháng. Nhưng tôi hỏi tất cả các người mắc bệnh trên địa bàn huyện Thanh Liêm thì không ai nhận khoản hỗ trợ này”
Một bệnh nhân mắc BKLN ở xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho biết.
Trong tương lai, phòng chống và điều trị BKLN cần tiếp cận gần hơn với nhu cầu chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm nhằm giải quyết tối đa những khoảng trống mà chương trình hiện nay đang gặp phải. Trong đó, quan trọng nhất là nhấn mạnh vai trò đóng góp, và khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của bản thân người mắc các BKLN, cộng đồng trong quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến BKLN trên cấp độ quốc gia và toàn cầu, bao gồm cả tạo lập, triển khai và đánh giá chương trình và dịch vụ bảo hiếm y tế. Việc tích hợp những thông tin trực tiếp như vậy sẽ thúc đẩy cách tiếp cận của các nhà hoạch định chính sách để giải quyết các vấn đề như thiết kế hệ thống y tế toàn diện, tiếp cận công bằng và chất lượng trong suốt quá trình chăm sóc liên tục, qua đó sẽ củng cố chương trình sức khỏe và chương trình phòng chống BKLN, và tạo ra nhiều tác động hơn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, thành lập nhóm hỗ trợ cộng đồng là một phương án tích cực nhằm hướng đến sự hỗ trợ đa dạng từ toàn xã hội, nhờ đó có thể tăng cường tiếng nói của người mắc BKLN ở mọi độ tuổi, kể cả trẻ em, thanh niên và người cao tuổi.
Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTH TGN) – một sáng kiến dựa vào cộng đồng của Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (HAI) hợp tác với Hội Người cao tuổi các cấp- đã được nhân rộng tại Việt Nam theo Quyết định 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình đã đạt được nhiều thành công trong việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng và người cao tuổi vào giải quyết các vấn đề sức khỏe và xã hội. Mô hình tiếp tục được nhân rộng tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 tới đây theo quyết định số 1336/QD-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Chú giải:
*Khung tiếp cận BKLN 5×5 gồm 5 Bệnh thường gặp (đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch và các tình trạng bệnh tâm thần kinh) và 5 Yếu tố Nguy cơ (ô nhiễm không khí, hút thuốc lá, sử dụng rượu ở mức có hại, dinh dưỡng không đảm bảo và kém vận động thể chất)
**Danh mục bệnh hiểm nghèo theo quy định của cơ quan y tế bao gồm một số BKLN như ung thư, suy tim cấp độ 4,….
Tài liệu tham khảo:
- Discussion paper: The Need for a Person-Centred, Inclusive NCD Agenda – NCD Alliance
- Alzheimer’s Disease International. World Alzheimer’s Report: 2019: Attitudes to dementia. 2019. https://www.alz.co.uk/research/WorldAlzheimerReport2019.pdf (Accessed 31.07.2020)