Vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trước đó không lâu, chỉ trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11/2020, miền Trung tiếp tục hứng chịu 8 cơn bão nhiệt đới liên tiếp, gây ra 5 đợt lũ chồng lũ dẫn đến tình trạng sạt lở đất tồi tệ nhất trong 100 năm trở lại đây. Trong chuyến công tác về miền Trung sau đợt lũ lịch sử, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai đối với người dân nơi đây. Bão lũ đi qua để lại những hoang tàn, và những người cao tuổi đang phải gồng mình khắc phục những khó khăn sau bão.
“Khi cơn bão đi qua, về đến nhà chỉ còn thấy bộ khung trơ trọi, nhà bị tốc mái hết, mưa xối thẳng vào nhà.”
Đó là lời kể của bác Đỗ Thị Liên và bác Nguyễn Văn Áng* về căn nhà bị tốc mái hoàn toàn sau khi cơn bão số 7, số 8 quét qua miền Trung Việt Nam vào tháng 10 vừa rồi. Ngôi nhà gỗ vốn đã đơn sơ không có nhiều đồ đạc giá trị nằm khép nép trong bản Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, nay lại càng thêm xơ xác khi bị liên tiếp các cơn cuồng phong do bão quật vào. Đối với gia đình bác Liên, năm nay là một năm khó khăn. Con cái đi làm xa, chỉ có hai vợ chồng cao tuổi sống với nhau, mảnh ruộng nhỏ trồng hoa màu – vốn mưu sinh duy nhất của gia đình bác năm nay cũng bị mất trắng. Đại dịch COVID – 19 cũng khiến cho bác không thể tìm việc làm thuê kiếm đồng ra đồng vào. Khó khăn chồng chất khó khăn khi căn nhà nhỏ nay lại bị tốc mái hoàn toàn do bão, nước mưa xối thẳng vào căn nhà trống, đồ đạc trong nhà bị hư hỏng, ước tính thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.
“Nước dâng nhanh lắm, nước ngập đến ngang người muốn đi cũng không đi được, ở trên gác mái thôi.”
Bác Lê Văn Hội, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh
Bão ập đến không chờ một ai, nhất là đối với những người cao tuổi bị khuyết tật như bác Lê Văn Hội* 70 tuổi trú tại phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh. Đã 19 năm kể từ ngày phải làm quen với mọi công việc, sinh hoạt thường ngày khi thì trên giường, khi thì trên chiếc xe lăn thô sơ được một người lạ thấy thương hoàn cảnh nên cho tặng. Những ngày nắng đẹp, với tinh thần lạc quan, bác Hội đều cố gắng dùng chiếc xe lăn của mình đi xung quanh xóm làng, thăm hỏi bạn bè. Thế nhưng, đợt bão lũ tháng 10 vừa rồi xảy đến, căn nhà cấp bốn đơn sơ phải lắp thêm một tấm phản bằng gỗ nhỏ làm gác mái, cả gia đình gồm bảy người, trong đó có ba trẻ nhỏ và hai người cao tuổi đều sống và sinh hoạt trên đó. Bác chia sẻ – người cao tuổi thường gặp khó khăn mỗi khi mùa mưa bão về do sức khỏe đã có phần đi xuống, không còn linh hoạt, đặc biệt là những người cao tuổi bị khuyết tật như bác.
Những ngày mưa lũ, cả gia đình bảy người phải ở trên gác xép, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn, những cơn đau thường xuyên xuất hiện trong khi những viên thuốc cứ thế cạn dần, không biết đến khi nào nước mới rút để mua được thuốc. Đồ dùng sinh hoạt cần thiết hàng ngày của bác như bỉm người lớn, cháo ăn liền và mì tôm mà gia đình bác chuẩn bị đều chỉ đủ dùng được trong 2-3 ngày đầu rồi cũng hết, phần vì nước lớn không thể đi mua, phần vì điều kiện kinh tế khó khăn. Vậy mà, bác nói mình còn may mắn hơn nhiều người khác khi sống cùng con cháu, trong khó khăn còn có người giúp đỡ.
“Sống chung với lũ”, cần làm gì để người cao tuổi không bị bỏ lại phía sau?
Bão lũ là điều không thể tránh khỏi từ thiên nhiên, thế nhưng những đau đớn, khó khăn và mất mát sau bão hoàn toàn có thể được giảm thiểu nếu chúng ta có thể tăng cường hơn nữa khả năng chống chiu và thích ứng với thiên tai của người dân tại vùng túi mưa như các tỉnh duyên hải miền trung. Với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi lên đến 12-13% (cao hơn so với trung bình cả nước là 11,9%), và chỉ số già hóa cao thứ 3 cả nước (52,2%), để các chương trình phòng chống thiên tai tại miền Trung thực sự đạt được hiệu quả và giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của, chúng ta không thể không tính đến việc đưa nội dung người cao tuổi vào các hoạt động phòng chống thiên tai một cách đầy đủ, có tính bao trùm và hệ thống. Trong bối cảnh già hóa đang diễn ra nhanh chóng, công tác người cao tuổi không những chỉ dừng lại ở “chăm sóc”, mà còn cần “phát huy” một trong số bốn nguồn lực tại chỗ trong công tác phòng chống thiên tai – người cao tuổi, tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi để người cao tuổi có thể sống khỏe mạnh,có phẩm giá và tiếp tục đem những vốn tri thức bản địa vốn có để cống hiến cho các hoạt động xã hội cho cộng đồng của mình.
Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng hai bác Liên-Áng chia sẻ sau khi cơn bão qua đi, cơ quan chính quyền địa phương và Hội Người cao tuổi cũng đã đến thăm hỏi động viên gia đình và có một phần hỗ trợ để bác khôi phục lại cuộc sống, tuy nhiên người cao tuổi vẫn gặp nhiều khó khăn trong mùa mưa bão, đặc biệt là những gia đình chỉ có hai người cao tuổi sống với nhau như gia đình bác. Đối với những người cao tuổi tại địa phương như hai bác, như bác Hội, ngoài những hỗ trợ khẩn cấp về mặt tài chính, thì những kế hoạch ứng phó thiên tai như thông báo, hỗ trợ di tản, và cứu trợ nhu yếu phẩm, thuốc men trong tình hình mưa lũ kéo dài đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì “nước ngập lên cao rồi thì đâu có đi mua bán chi được, còn quán xá thì họ cũng đóng cửa chạy lụt hết rồi”.
Việc đại điện người cao tuổi tham gia vào Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai tại địa phương và các nhóm hỗ trợ kỹ thuật trên địa bàn một số tỉnh đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền trong việc tính đến các yếu tố người cao tuổi trong các kế hoạch ứng phó khẩn cấp với thiên tai tại miền Trung. Tuy nhiên, để thực sự tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai tại miền Trung, chúng ta cần có những báo cáo thiệt hại, đánh giá nhu cầu và kế hoạch cụ thể có đầy đủ thông tin về người cao tuổi hơn nữa, sát thực hơn nữa, phù hợpvới nhu cầu thực tế của người cao tuổi miền Trung, nhất là những người cao tuổi gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi ngheo, nữ, khuyết tật, đơn thân, bệnh tật…).
Hiểu được những khó khăn của người cao tuổi sau bão lũ, gia đình vợ chồng bác Liên-Áng, bác Hội cùng 1216 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ở 6 tỉnh miền Trung Việt Nam đã nhận được khoản hỗ trợ bằng tiền mặt từ Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI) với tổng số tiền cứu trợ là 633 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, số tiền cứu trợ này đã được Hội Người cao tuổi các tỉnh trao tận tay người cao tuổi tại địa phương. Món quà hỗ trợ tuy không quá lớn nhưng mang đầy ý nghĩa đối với những người cao tuổi miền Trung sau những mất mát mà bão lũ để lại.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Tin/Ảnh: Ngọc Lan/HelpAge International tại Việt Nam